Thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại tòa án cấp phúc thẩm

(PLO) - Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại tòa án cấp phúc thẩm nhằm khắc phục những tồn tại trong thủ tục này từ trước tới nay.
Thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại tòa án cấp phúc thẩm

Thủ tục chuẩn bị xét xử phúc thẩm  được quy định tại Chương 16 BLTTDS, bao gồm 8 điều (từ Điều 285 đến Điều 292), trong đó giữ nguyên 1 điều, sửa đổi 5 điều, bổ sung mới 2 điều.

Về cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, BLTTDS năm 2015 xác định việc thu thập, cung cấp chứng cứ chủ yếu là trong giai đoạn sơ thẩm. Tuy nhiên, ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ trong những trường hợp: Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng; Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

Về tính chất quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ xét xử phúc thẩm, thì căn cứ tạm đình chỉ và đình chỉ xét xử phúc thẩm vẫn giữ nguyên như BLTTDS 2011. Tuy nhiên, trước đây, do BLTTDS 2015 chưa quy định rõ về tính chất của quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ xét xử phúc thẩm có được quyền kháng cáo, kháng nghị không, nên trong thực tế đã có rất nhiều lúng túng và còn nhận thức khác nhau. Vì vậy, để khắc phục vướng mắc này, BLTTDS năm 2015 xác định tính chất quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử phúc thẩm khác hơn quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm nên nó có hiệu lực pháp lực ngay không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (khoản 2 Điều 288 và khoản 4 Điều 289 BLTTDS năm 2015).

Về quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, nhằm bảo đảm rõ ràng về thủ tục và đề cao trách nhiệm của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định khi kết thúc giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, nếu vụ án không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Thủ tục xét xử phúc thẩm được quy định tại Chương 17, bao gồm 2 mục và 23 điều (từ Điều 293 đến Điều 315), trong đó giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 14 điều, bổ sung mới 3 điều.

Về hoãn phiên Tòa phúc thẩm, nhằm khắc phục vướng mắc về nhận thức trong trường hợp nào phải hoãn phiên tòa phúc thẩm do BLTTDS năm 2011 quy định không rõ, nên BLTTDS năm 2015 đã quy định Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa phúc thẩm vắng mặt nếu vụ án không có kháng nghị của Viện kiểm sát thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa hoặc nếu vụ án có kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát thì hoãn phiên Tòa.

Người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.

Trong trường hợp người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt, nếu có đề nghị xét xử vắng thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ. Nếu vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa. Nếu không có đề nghị xét xử vắng mặt, không vì lý do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khách quan thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó.

Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó.

Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án. 

Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như phiên Tòa sơ thẩm. Việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như phiên tòa sơ thẩm.

Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau: Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà không có mặt, trừ trường hợp vụ án còn có người khác kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị. 

Đọc thêm