Thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng trợ giúp pháp lý với luật sư

(PLO) - Quyết định số 1540/QĐ-BTP về công bố thủ tục hành chính mới ban hành và được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp vừa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành đã hướng dẫn thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng trợ giúp pháp lý với luật sư.

Căn cứ vào nguồn lực trợ giúp pháp lý (TGPL) tại địa phương, Trung tâm TGPL nhà nước (sau đây gọi là Trung tâm) đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu TGPL của Trung tâm để dự kiến số lượng luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL (sau đây gọi là luật sư). 

Giám đốc Trung tâm quyết định thành lập Tổ đánh giá hồ sơ lựa chọn luật sư. Thông báo lựa chọn luật sư được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp địa phương (tối thiểu là 05 ngày làm việc) gồm những nội dung: Số lượng luật sư dự kiến lựa chọn; điều kiện ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; cách thức, tiêu chí, thang bảng điểm đánh giá hồ sơ; yêu cầu về hồ sơ; địa điểm, thời hạn nộp hồ sơ; dự thảo hợp đồng thực hiện TGPL; các yêu cầu khác (nếu có).

Trên cơ sở thông báo lựa chọn luật sư, luật sư nộp hồ sơ về Trung tâm (thời hạn nộp hồ sơ quy định tại thông báo lựa chọn luật sư; bảo đảm thời hạn tối thiểu là 20 ngày kể từ ngày thông báo được đăng tải). Tổ đánh giá luật sư hoàn thành việc đánh giá trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ. Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đánh giá nhưng không quá 05 ngày làm việc. 

Trung tâm có trách nhiệm thông báo kết quả lựa chọn đến các luật sư đã nộp hồ sơ. Luật sư phải có số điểm đánh giá từ 50 điểm trở lên và được lựa chọn theo thứ tự từ cao xuống thấp đến đủ số lượng dự kiến lựa chọn. 

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thông báo, luật sư được lựa chọn có trách nhiệm ký hợp đồng với Trung tâm. Quá thời hạn trên mà luật sư được lựa chọn không ký hợp đồng thì Trung tâm thông báo để ký hợp đồng với luật sư có số điểm cao kế tiếp sau (nếu còn).

Luật sư nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh/ thành phố hoặc nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính.

Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị tham gia lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL có xác nhận của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà luật sư ký hợp đồng lao động đồng ý cho luật sư tham gia ký hợp đồng thực hiện TGPL; Bản sao thẻ luật sư; Bản giới thiệu về quá trình hành nghề của luật sư, vụ việc tham gia tố tụng, kinh nghiệm tham gia TGPL; Các tài liệu khác theo thông báo lựa chọn luật sư (nếu có). Luật sư không phải nộp lệ phí cho thủ tục này.

Luật sư phải có đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật TGPL. Cụ thể: Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư; Không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà luật sư ký kết hợp đồng lao động.

Luật sư đã thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật TGPL thì không được lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện TGPL trong thời gian ít nhất là 02 năm kể từ ngày có kết luận vi phạm. Cụ thể: Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; phân biệt đối xử người được TGPL; Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được TGPL; sách nhiễu người được TGPL; Tiết lộ thông tin về vụ việc TGPL, về người được TGPL, trừ trường hợp người được TGPL đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác; Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện TGPL, trừ trường hợp quy định tại Luật này và quy định của pháp luật về tố tụng; Lợi dụng hoạt động TGPL để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội; Xúi giục, kích động người được TGPL cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật. 

Đọc thêm