Thừa kế thế vị

(PLVN) - Thừa kế thế vị được xác định như thế nào? Quyền, nghĩa vụ của người thừa kế thế vị được quy định ra sao? Tư vấn của Luật sư Lê Thu Hiền (Công ty Luật TNHH Kim Minh Châu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tư vấn tình huống của chị Kim Anh sẽ đưa ra thông tin có giá trị tham khảo đáp ứng nhu cầu của nhiều bạn đọc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong thư gửi tới Báo PLVN, chị Trần Thị Kim Anh (TP HCM) cho biết,  năm 2008, chị và chồng cũ ly hôn, chồng cũ chị có quyền nuôi con đối với con gái chị (sinh năm 2003), còn chị trợ cấp tiền nuôi dưỡng hàng tháng cho cháu. Năm 2009, sau khi chồng cũ mất, con gái chị ở với ông bà nội. Năm 2017, bố chồng cũ chị mất, không để lại di chúc. Gia đình chồng cũ chị có 5 anh em trai. Hiện tại gia đình chồng cũ muốn bán nhà để chia cho các con. Chị Kim Anh băn khoăn liệu con chị có được hưởng quyền lợi gì trong việc đó không?

Trước tình huống của chị, Luật sư Lê Thu Hiền cho rằng, bố chồng cũ của chị Kim Anh chết năm 2017 không để lại di chúc, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì di sản của ông được chia theo pháp luật cho những người thừa kế theo hàng thừa kế.

Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: “Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” và những người này hưởng phần di sản bằng nhau.

Theo quy định trên thì chồng cũ của chị Kim Anh là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố anh ấy nên có quyền hưởng thừa kế của ông.

Về việc con gái chị Kim Anh hưởng thừa kế thế vị, Điều 652 Bộ luật Dân sự  2015 quy định về thừa kế thế vị như sau: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Theo chị Kim Anh trình bày, chồng cũ của chị chết năm 2009, bố anh ấy chết năm 2017. Vậy, căn cứ vào quy định trên, con gái của chị Kim Anh được hưởng thừa kế thế vị phần di sản mà bố cháu được hưởng nếu còn sống.

Về phần di sản con gái chị Kim Anh được hưởng thừa kế thế vị: Di sản của bố chồng chị Kim Anh được chia cho các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, mỗi người được hưởng phần di sản bẳng nhau. Do đó, con gái chị Kim Anh hưởng thừa kế thế vị phần di sản bằng các đồng thừa kế khác.

Theo chị Kim Anh trình bày, bố chồng cũ của chị có 5 người con, do đó cả 5 người con này (trong đó con gái chị Kim Anh hưởng thừa kế thế vị của bố cháu) là người hưởng thừa kế thuộc hàng thứ nhất. Tuy nhiên, chị Kim Anh không trình bày về những người khác được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên, cụ thể: mẹ chồng hoặc bố, mẹ của bố chồng cũ của chị còn sống hay đã chết; ngoài 5 người con trên thì ông còn có con nuôi, con riêng nào không?  Vì vậy, Luật sư chưa có đủ căn cứ để kết luận về số lượng người hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bố chồng chị Kim Anh. Chị Kim Anh có thể căn cứ các quy định pháp luật đã dẫn ở trên để tham khảo hướng giải quyết đối với trường hợp của gia đình.

Đọc thêm