Thừa phát lại: Không được nhận và yêu sách người yêu cầu

(PLO) - Để có cơ sở hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại (TPL) theo tinh thần của Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định TPL, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp TPL. Trong đó quy định, TPL không được nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí, thù lao đã được xác định, thỏa thuận.
Thừa phát lại: Không được nhận và yêu sách người yêu cầu

Theo quy định, TPL được Nhà nước trao quyền để thực hiện các công việc như lập vi bằng, tống đạt giấy tờ, văn bản, thi hành các bản án, quyết định của Tòa án để thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Theo quy định của dự thảo, TPL có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân, bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Với địa vị và thông qua hoạt động của mình để thi hành quyền lực được Nhà nước trao, TPL phải giữ độc lập hoàn toàn, trong mọi tình huống, đối với người yêu cầu, các bên liên quan nhằm đảm bảo tính công minh, trung thực là những cơ sở để tạo dựng lòng tin với người khác. TPL phải thực hiện công việc được giao một cách chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và các quy định của Quy tắc này.

 TPL có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân, thanh danh nghề nghiệp. TPL cần phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu và xã hội về bản thân và nghề nghiệp của mình.

Trong quan hệ với người yêu cầu, dự thảo quy định TPL phải tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp để bảo đảm tốt nhất chất lượng, hiệu quả công việc; có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của cá nhân, tổ chức một cách nhanh chóng, kịp thời, trách nhiệm khi yêu cầu đó không vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết kịp thời các yêu cầu của người yêu cầu bằng cách không ngại khó, ngại khổ. TPL có trách nhiệm phải giải thích cho người yêu cầu hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của việc thực hiện yêu cầu, nhất là giá trị pháp lý của vi bằng; cung cấp cho người yêu cầu các thông tin có liên quan về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của TPL trong hành nghề TPL theo yêu cầu của họ.

Dự thảo cũng quy định, TPL có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong quá trình hành nghề cũng như khi không còn là TPL; trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu hoặc pháp luật có quy định khác.

Về thu chi phí, thù lao, dự thảo quy định TPL có trách nhiệm thu đúng, thu đủ và công khai chi phí, thù lao theo thỏa thuận; khi thu chi phí, thù lao phải ghi hóa đơn, chứng từ đầy đủ và thông báo cho người yêu cầu biết rõ về các khoản thu và số tiền mà họ phải nộp.

Đặc biệt, dự thảo quy định 14 loại việc mà TPL không được làm trong quan hệ với người yêu cầu. Đó là: sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu; Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí, thù lao đã được xác định, thỏa thuận; Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu dẫn tới hậu quả gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người yêu cầu và các bên liên quan.

Ngoài ra, còn có tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật cho phép; sử dụng thông tin về hoạt động của TPL để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Thực hiện yêu cầu trong trường hợp mục đích và nội dung của yêu cầu vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; Gây áp lực, ép buộc người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ của mình hoặc Văn phòng mình;

Đồng thời, thêm việc Lập vi bằng có liên quan về mặt lợi ích giữa TPL và người yêu cầu; Tư vấn, xúi giục, tạo điều kiện cho người yêu cầu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các hành vi gian dối khác; Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu hoặc người môi giới; đưa ra những lời hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu hoặc tự ý thu tăng hoặc giảm chi phí, thù lao đã được xác định, thỏa thuận...

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp TPL nói trên nhằm quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của TPL trong hành nghề TPL, là cơ sở để TPL tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của TPL, nâng cao uy tín của TPL, góp phần tôn vinh nghề TPL trong xã hội.

Đọc thêm