Thực hiện thủ tục trong THADS về quyết định miễn, giảm của Tòa án

(PLO) - Thủ tục thi hành án dân sự (THADS) là một chế định pháp luật rất quan trọng để bảo đảm cho việc thi hành bản án. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng quy định hiện nay còn một số vướng mắc nhất định. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết góp ý liên quan đến nội dung trên của ông Trần Thế Hùng - Chi cục THADS huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh tiêu hủy tang vật các vụ án.
Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh tiêu hủy tang vật các vụ án.

THADS là hoạt động do cơ quan THADS thực hiện nhằm đưa các quyết định về mặt dân sự trong bản án, quyết định của Toà án, quyết định của Trọng tài thương mại hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật hiện hành, buộc người phải thi hành án chấp hành, đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Việc ban hành Luật THADS (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) và một số văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, đã góp phần tạo điều kiện cho công tác thi hành án được thuận lợi, có hiệu quả.

Thủ tục THADS là chế định pháp luật rất quan trọng để bảo đảm cho việc thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án chúng tôi còn có một số băn khoăn khi căn cứ vào Luật THADS hiện hành, đó là việc thực hiện thủ tục THADS khi có quyết định miễn, giảm của Toà án.

Ví dụ: tại Bản án số 64/HSST ngày 30/11/2001 của TAND tỉnh Hà Tĩnh và Bản án số 909/HSPT ngày 25/6/2002 của Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội xử phạt Nguyễn Hồng Ch.  20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 4 năm tù giam về tội tổ chức cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tổng hợp hình phạt cho 2 tội là 24 năm tù. 

Ngày 20/02/2012, Chi cục THADS huyện CL nhận được quyết định ủy thác của Chi cục THADS thành phố HT về việc Ch phải thi hành án 28.477.000đ và truy thu sung công quỹ nhà nước 6.000 USD.

Ngày 16/8/2012 Chi cục THADS huyện CL ra quyết định thi hành án, cho thi hành án đối với Nguyễn Hồng Ch với số tiền trên.

Trong quá trình tổ chức thi hành án Chi cục THADS huyện CL đã nhiều lần tổ chức xác minh tài sản của C tại địa phương và tại trại giam nhưng không có tài sản nào để thực hiện việc thi hành án. Theo quy định điểm c khoản 1 Điều 48 Luật THADS năm 2008, ngày 22/8/2012 Chi cục THADS huyện CL đã ra quyết định về việc hoãn thi hành án đối với Ch với số tiền trên. Đến ngày 17/9/2015 TAND huyện CL ra Quyết định số 04/QĐ-TA quyết định giảm thi hành án đối với khoản tiền nộp ngân sách nhà nước 31.415.000đ.

 Căn cứ quyết định giảm thi hành án, ngày 21/9/2015 Chi cục THADS huyện CL đã thực hiện phiếu kết chuyển tài khoản đối với số tiền 31.451.000đ. và những quyết định giảm thi hành án khác trong các vụ án khác v.v... 

Vấn đề chúng tôi muốn đưa ra đây là các cơ quan tố tụng, các cơ quan hoạt động tư pháp trong phạm vi quyền hạn được giao được thực hiện các công việc chuyên môn của mình đều thực hiện việc thi hành án đều phải có một quyết định về THADS, vừa mang tính độc lập vừa mang tính khách quan. 

Tại điểm e khoản 1 Điều 50 Luật THADS năm 2008 quy định:

“Đình chỉ thi hành án: …   

Có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án”.

Còn tại điểm e khoản 1 Điều 50 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định “Đình chỉ Thi hành án…

Có quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án”.   

Nếu Chi cục THADS chỉ áp dụng quyết định giảm thi hành án của Tòa án để làm thủ tục kết chuyển số tiền được giảm như hiện nay thì sẽ làm mất đi tính độc lập trong hoạt động của cơ quan THADS, mất đi tính liên kết trong các thủ tục về THADS.

Tôi cho rằng khi có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án của Tòa án, cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ số tiền được miễn hoặc giảm đó. Có như vậy nó vừa mang tính độc lập, vừa mang tính khách quan, vừa mang tính liên kết trong quá trình tác nghiệp của cơ quan THADS.

Tóm lại mọi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được cơ quan THADS tổ chức thực hiện bằng một quyết định về thi hành độc lập.

Vậy, nên chăng cần để nguyên điểm e khoản 1 Điều 50 Luật THADS năm 2008.

Đọc thêm