Thuốc lá điện tử - cấm hay quản?

(PLVN) - Do chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới chưa rõ ràng nên tình trạng nhập lậu mặt hàng này đang diễn ra rầm rộ, gây thất thu ngân sách.
Các loại thuốc lá điện tử được quảng cáo tràn lan trên mạng.
Các loại thuốc lá điện tử được quảng cáo tràn lan trên mạng.

Nhức nhối từ biên giới đến chợ điện tử

Vài năm gần đây, tình trạng buôn lậu thuốc lá điện tử diễn ra ngày càng trầm trọng khi số lượng người dùng sản phẩm này tăng lên. Thị trường chợ đen ghi nhận trào lưu sính thuốc lá điện tử, vì thuốc lá điện tử được cho là có nhiều công dụng tích cực như ít gây hại tới sức khỏe người dùng và có thể giúp cai thuốc lá.

Trong đầu tháng 1/ 2020, Tổng cục Hải quan phối hợp với Hải quan TP HCM phát hiện và thu giữ lô hàng gồm 400 cây thuốc lá làm nóng theo đường hàng không từ Nga về TP HCM với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Nếu lô hàng này được tiêu thụ, người bán cũng sẽ bỏ túi 200 triệu đồng. 

Tại Đà Nẵng, cơ quan quản lý cũng mới bắt vụ buôn lâu 200 máy thuốc lá điện tử, 20 hộp phụ kiện, hơn 1.600 chai tinh dầu ngoại.   

Không giống như thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử là sản phẩm cấu thành từ nhiều thành phần rời khác nhau như thân máy điện tử, phụ kiện, tinh chất hoặc điếu thuốc chuyên dùng. Vì thế, kênh hàng lậu thuốc lá điện tử trở nên phức tạp hơn nhiều so với thuốc lá truyền thống. 

Các sản phẩm này không chỉ được bán phổ biến qua các trang mạng nhóm xã hội, mà còn công khai giới thiệu, trao đổi trên các trang mạng thương mại điện tử theo mô hình C2C (người mua và người bán giao dịch trực tiếp) hiện nay. 

Theo các chuyên gia, số người hút thuốc tại Việt Nam được dự đoán vào khoảng 17-18 triệu người trước năm 2025.

Trong khi đó, Quyết định 1092/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Sức khỏe Việt Nam nêu rõ việc đặt mục tiêu giảm thiểu 37% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành, đồng thời, giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động của người dân tại nhà là 50% và tại nơi làm việc 35% vào năm 2025

Người bán dễ dàng đăng tải các mặt hàng thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, các phụ kiện để “độ” hàng, hoặc thậm chí là các nguyên liệu thiếu nhãn mác như Propylence Glycol để tạo khói với mức giá tầm vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng.

Cần hành lang pháp lý phù hợp

Từ nhu cầu tăng cao trên thị trường, tình trạng buôn lậu thuốc lá điện tử ngày càng diễn biến phức tạp. Tình trạng này khiến các mặt hàng thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, không đạt chuẩn, độc hại, dễ dàng đến tay người tiêu dùng, kéo theo đó là nhiều rủi ro về sức khỏe. 

Thực tế, tại một số thị trường khác, trước hiện tượng nhiều ca bệnh phổi nghiêm trọng xuất hiện ở người hút thuốc lá điện tử, các chuyên gia cho rằng những ca bệnh này có liên quan việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử hệ thống mở không đạt chuẩn, được nhập lậu cùng những loại tinh dầu không rõ nguồn gốc, chứa chất độc hại như THC (một loại chất hướng thần được tìm thấy ở cây bồ đà). 

Cũng có những ý kiến đưa ra về việc cấm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Tuy nhiên, ý kiến này cũng vấp phải nhiều phản ứng từ phía khoa học cũng như người dùng. Bởi vì, thực tế cho thấy nhu cầu có thật với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, những người dùng để cai thuốc lá truyền thống. 

Lệnh cấm sẽ khiến tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối hơn, gây thất thu cho ngân sách. Mặt khác, về mặt khoa học, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, việc lưu hành và thái độ của các nước đối với thuốc lá điện tử mang nhiều sắc thái khác nhau. 

Trong đó, nổi bật 2 quan điểm: cấm hoặc quy định hoặc xem đó như là sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm y khoa. Tại Việt Nam, Bộ Y tế từng đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, cấm kinh doanh và tiêu dùng thuốc lá điện tử và kiểm soát chặt quảng cáo thuốc lá Internet.

Nhiều quốc gia tỏ ra thận trọng với các sản phẩm thay thế thuốc lá là do lo ngại giới trẻ sẽ học đòi theo trào lưu này. Còn WHO thì nhấn mạnh việc chọn phương án nào cũng phải nằm trên thực tế tình hình của quốc gia đó.

Cần sớm có khung pháp lý để kiểm soát thuốc lá điện tử.
Cần sớm có khung pháp lý để kiểm soát thuốc lá điện tử.

Điều này có nghĩa sự lựa chọn cần được cân nhắc trên nhiều yếu tố, thực trạng tỷ lệ hút thuốc lá điếu và gánh nặng đi kèm, mức độ chấp nhận của quốc gia đó đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tỷ lệ cai thuốc thành công từ những biện pháp truyền thống phụ thuộc vào ý chí. Đồng thời, cũng cần phải đánh giá khoa học của những sản phẩm đó đem lại liệu có phù hợp với sức khỏe toàn dân. 

ThS.BS Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện FV - từng cho biết: "Hiện tại các cơ quan quản lý y tế ở cả Anh và Mỹ đều đồng ý rằng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới giảm thiểu tác hại trung bình khoảng 95% so với thuốc lá truyền thống. Vì vậy, quan điểm giảm thiểu tác hại hoàn toàn có thể được ứng dụng trong ngành hàng thuốc lá".

Trong năm 2019, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam – Vinataba đã đưa ra các kiến nghị, trong đó nêu rõ thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử nên được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật riêng thay vì quy định chung với thuốc lá truyền thống trong cùng Nghị định mới.

Có thể thấy, hệ thống pháp luật tại Việt Nam hiện chưa kịp hoàn thiện để kiểm soát thuốc lá điện tử nhập lậu. Trước kiến nghị trên, dư luận đang hướng về đề xuất có khung hành lang pháp lý phù hợp cho việc quản lý mặt hàng thuốc lá thế hệ mới một cách hợp pháp cũng như việc xử lý tiêu hủy các sản phẩm thuốc lá điện tử nhập lậu, trôi nổi. 

Đọc thêm