Tiếp tục xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp

(PLO) - Xã hội hóa công tác bổ trợ tư pháp là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong đó, có hai hoạt động đã được Bộ Tư pháp chú trọng triển khai suốt thời gian qua với nhiều kết quả nổi bật là giám định tư pháp (GĐTP) và công chứng.
Hoạt động giám định tư pháp. Ảnh minh họa
Hoạt động giám định tư pháp. Ảnh minh họa

Với sự chủ trì tham mưu của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật GĐTP năm 2012; phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP. Qua đó, tạo cơ chế hữu hiệu để đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng trong những lĩnh vực không có tổ chức GĐTP; mở rộng diện những người có quyền tự mình yêu cầu GĐTP trong các vụ án hành chính, dân sự, phần dân sự trong vụ án hình sự nhằm tạo điều kiện cho người dân chủ động thu thập chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt là đã cho phép giám định viên tư pháp thành lập văn phòng GĐTP trong một số lĩnh vực. 

Triển khai Luật GĐTP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật GĐTP. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng ban hành 26 văn bản hướng dẫn, trong đó nhiều cơ quan chức năng đã ban hành được quy chuẩn, quy trình GĐTP trong các lĩnh vực chuyên ngành. Một số chính sách ưu đãi về thuế, đất đai đối với văn phòng GĐTP nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động GĐTP cũng được ban hành.

Ở Trung ương có 4 tổ chức GĐTP gồm Viện Pháp y Quốc gia, Viện Pháp y tâm thần Trung ương thuộc Bộ Y tế, Viện Pháp y Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng và Viện Khoa học Hình sự thuộc Bộ Công an. Ở địa phương, cả nước có 56/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Giám định pháp y thuộc Sở Y tế. Bên cạnh đó, 5 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực đã được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2015. Trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự, các Phòng Kỹ thuật hình sự của Công an 63 tỉnh, thành được thành lập và hoạt động nền nếp…

Về hoạt động công chứng, Bộ Tư pháp cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) với những quy định đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này theo hướng sâu, rộng hơn. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2104/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 nhằm phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp và phân bổ hợp lý gắn với địa bàn dân cư trên toàn quốc, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện việc công chứng. Gần 900 tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng gần 7 triệu hợp đồng, giao dịch; tổng số phí công chứng thu được khoảng 2.600 tỷ đồng.

Một kết quả đáng ghi nhận trong xã hội hóa hoạt động công chứng có thể kể đến là việc thành lập các hội công chứng ở địa phương, tiến tới thành lập Hiệp hội Công chứng toàn quốc. Công chứng Việt Nam, mà đại diện là Hội Công chứng TP HCM (trong khi chưa có Hiệp hội Công chứng toàn quốc) đã được kết nạp chính thức làm thành viên thứ 84 của Liên minh Công chứng quốc tế, đánh dấu sự hội nhập của công chứng Việt Nam vươn tầm thế giới.

Tuy nhiên, báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong xã hội hóa 2 lĩnh vực bổ trợ tư pháp trên. Chẳng hạn, nhận thức về quản lý nhà nước đối với loại hình nghề nghiệp đặc thù này tại một số địa phương chưa đầy đủ, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng. Các tổ chức chuyên môn, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực giám định có tâm lý e ngại cung cấp dịch vụ chuyên môn cho hoạt động tố tụng; chưa có cơ chế cụ thể, rõ ràng và bảo đảm cho việc thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động GĐTP…

Nhiều chuyên gia pháp lý chia sẻ, cải cách là công việc khó về lý luận lẫn tổ chức thực hiện, trong đó bao gồm cả chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương này, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần kiên trì thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Phước Thọ cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung thực hiện việc chuyển đổi mô hình hoạt động các phòng công chứng, văn phòng công chứng theo quy định của Luật Công chứng.

Đọc thêm