Tìm cách gỡ vướng trong thực thi chế định hộ gia đình

(PLO) - Trước những khó khăn trong việc xác định hộ gia đình, Bộ Tư pháp cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện thể chế pháp luật về chủ thể quan hệ pháp luật nói chung, chế định hộ gia đình để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật nói chung, hoạt động công chứng, chứng thực nói riêng.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Thời gian qua, một số địa phương đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể về chế định Hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự (BLDS) và các quy định khác có liên quan để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về hoạt động công chứng, chứng thực. 

Những khó khăn, vướng mắc về thực thi chế định hộ gia đình, trong đó nổi bật là việc xác định thành viên hộ gia đình là vấn đề phát sinh trong thời gian qua ở nước ta. Trong quá trình xây dựng BLDS năm 2015, nhiều vướng mắc, bất cập về hộ gia đình sử dụng đất đã được xác định; tuy nhiên, đây là các vướng mắc, bất cập phát sinh từ quy định của pháp luật đất đai và thực thi pháp luật đất đai. Do đó, Chính phủ và Quốc hội đã chọn giải  pháp xây dựng BLDS năm 2015 theo hướng không quy định hộ gia đình là một chủ thể quan hệ pháp luật dân sự độc lập. Đối với hộ gia đình sử dụng đất, BLDS năm 2015 đã thể hiện sự tôn trọng pháp luật chuyên ngành bằng quy định dẫn chiếu “việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai” (khoản 2 Điều 101).

Về hộ gia đình sử dụng đất, khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 ghi nhận khái niệm hộ gia đình sử dụng đất như sau “hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất” (khoản 29 Điều 3). Điều 167 và nhiều điều khoản khác của Luật này ghi nhận người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất; khoản 2 Điều 98 quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình. 

Ngày 29/9/2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Thông tư này có quy định mới về cách thức ghi nhận thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình tại khoản 5 Điều 6.

Việc quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất là cần thiết, tiến bộ nhằm minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có chung quyền sử dụng đất, trong đó có các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, giúp hạn chế những khó khăn, vướng mắc, ngăn ngừa tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất.

Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT dự kiến có hiệu lực từ ngày 05/12/2017, tuy nhiên, nội dung này trong Thông tư đang lùi thời gian có hiệu lực để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, để mỗi người dân đều hiểu rõ quyền, lợi ích của việc ghi tên từng thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình trên giấy chứng nhận; đồng thời để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện tốt hơn.

Về phía Bộ Tư pháp cho biết đã nắm bắt các khó khăn, bất cập về chế định hộ gia đình và để góp phần tháo gỡ, Bộ Tư pháp đã xây dựng Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, trong đó có hộ gia đình sử dụng đất và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ về một số vấn đề sau: Các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát chi tiết và triển khai hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tương thích và cụ thể hóa các quy định của BLDS năm 2015 trong từng lĩnh vực quản lý của cơ quan mình, trong đó lưu ý về chủ thể của quan hệ pháp luật. 

Bộ TN&MT nghiên cứu, xác định định hướng hoàn thiện pháp luật đất đai nói chung và pháp luật về quyền sử dụng đất của hộ gia đình nói riêng; phối hợp chặt chẽ, tích cực với các bộ, ngành có liên quan để thống nhất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực pháp luật dân sự, kịp thời báo cáo với Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Bộ Tư pháp cũng phối hợp chặt chẽ với TANDTC trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành BLDS năm 2015 đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật.

Đọc thêm