Tố tụng Hành chính: Vướng mắc từ những qui định... mù mờ

(PLO) - Thực tiễn, việc giải quyết những vụ án Hành chính gặp nhiều khó khăn vướng mắc bởi những qui định pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng... Để giải quyết tình trạng này, các qui định về tố tụng hành chính cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung...?



Tố tụng hành chính là lĩnh vực rất phức tạp.
Tố tụng hành chính là lĩnh vực rất phức tạp.
Không biết “lần theo hướng nào”
Theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính (TTHC), việc giải quyết một vụ án Hành chính tại tòa án theo thủ tục sơ thẩm phải trải qua nhiều giai đoạn: khởi kiện và thụ lý vụ án; cung cấp và thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ kiện; thực hiện các công việc chuẩn bị xét xử  và tiến hành xét xử sơ thẩm tại phiên tòa. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều điểm bất cập, vướng mắc.
Ông Đỗ Khắc Tuấn – TAND TP.HCM, việc áp dụng Luật TTHC để  giải quyết các vụ án Hành chính theo thủ tục phúc thẩm cũng phát sinh không ít vướng mắc, khó khăn. Đơn cử, do Luật TTHC thiếu quy định về "thời điểm kháng nghị" của VKS là "ngày VKS ký kháng nghị" hay "ngày tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm nhận được kháng nghị của VKS". 
Mặt khác, Luật TTHC và các văn bản quy phạm hướng dẫn cũng không có quy định về giải quyết như thế nào đối với kháng nghị quá hạn của VKS nên trường hợp này, có nơi Tòa án vẫn phải giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, trường hợp nhận thấy kháng nghị của VKS đã hết thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ bác kháng nghị của VKS, nhưng có địa phương Tòa án lại trả kháng nghị cho VKS nếu VKS kháng nghị khi thời hạn kháng nghị đã hết… 
Không những thế, một số quy định chưa phù hợp, chưa đầy đủ trong TTHC còn dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng thi hành các quy định của Luật TTHC về thủ tục giám đốc thẩm, thậm chí có những quy định chưa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. 
Ông Nguyễn Châu Hoan – Thẩm phán TANDTC dẫn ví dụ, Điều 211 Luật TTHC qui định về việc phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không qui định về thời hạn, không cụ thể về cá nhân, cơ quan, tổ chức khác là ai khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực và vi phạm pháp luật của Tòa án nên trong thực tiễn khi xảy ra trường hợp này, khó áp dụng về thời hạn để xem xét giải quyết và dẫn đến việc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm không có điểm dừng.
Phát huy sức mạnh tranh tụng
Theo nguyên tắc tranh tụng, trách nhiệm chứng minh thuộc về đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền, nghĩa vụ có liên quan, Tòa án chỉ có nghĩa vụ thu thập chứng cứ khi cần thiết. 
Nói về vấn đề trên, thẩm phán Lê Văn Minh – Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, TANDTC nhấn mạnh, để nguyên tắc tranh tụng phát huy vai trò trong việc xử lý các vụ án hành chính, cần nghiên cứu quy định theo hướng vai trò của Tòa án chủ yếu điều hành phiên tòa để hai bên tranh luận và đưa ra chứng cứ, quy định việc công bố lời khai của đương sự vắng mặt khi tranh luận tại phiên tòa, thẩm phán chỉ hỏi khi thấy cần thiết.
Kết quả tranh tụng tại tòa là căn cứ quan trọng để hội đồng xét xử đưa ra các phán quyết. Hoàn thiện cơ chế đảm bảo để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư khi tham gia tố tụng tại tòa án.
Bên cạnh đó, dự báo của các thẩm phán làm công tác giải quyết xét xử các vụ án hành chính đều cho thấy, trong các năm tiếp theo, công tác xét xử các vụ án hành chính sẽ có xu hướng tăng về số lượng, tính chất và mức độ phức tạp do một trong những nguyên nhân là việc xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, từ đó liên quan đến xác định thẩm quyền của tòa án, tư cách đương sự và thời hiệu khởi kiện và thụ lý vụ án. 
Theo ông Nguyễn Châu Hoan: “Đây là nội dung mà thực tiễn đang gặp những bất cập về nhận thức và áp dụng pháp luật”. Vì thế, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, để ứng phó với xu hướng tăng số lượng án Hành chính, vấn đề đặt ra là TAND cần phải có chủ trương, biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhất là đội ngũ thẩm phán thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Đặc biệt, theo nhiều thẩm phán, Luật TTHC hiện hành đã mở rộng thẩm quyền của TAND các cấp giải quyết các khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính so với Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án Hành chính. Tuy nhiên, để tòa án thực hiện có hiệu quả quyền Tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Luật TTHC (sửa đổi) cần tiếp tục mở rộng hơn nữa thẩm quyền giải quyết của TAND đối với các khiếu kiện Hành chính về các văn bản hành chính mang tính quy phạm do các cơ quan Hành chính ban hành…/.

Đọc thêm