Tôi có phải thay chồng quá cố phụng dưỡng mẹ chồng?

(PLO) -Từ ngày chồng chị mất, mẹ chồng chị thay đổi tâm tính, bà trở nên vô cùng cay nghiệt. Liệu chị có quyền yêu cầu các anh chị em ruột của chồng thực hiện trách nhiệm nuôi mẹ hay chị phải lãnh trách nhiệm thay chồng phụng dưỡng mẹ già? 
Tôi có phải thay chồng quá cố phụng dưỡng mẹ chồng?

Từng coi con dâu như con đẻ

“15 năm nay tôi sống cùng với mẹ chồng, thực tình tôi đã nghĩ sẽ phụng dưỡng mẹ chồng đến suốt đời. Vậy nên hoàn cảnh của tôi giờ đây mở lời thật khó…”. Chị Đàm Thị Tuyết Ngân (38 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự.

Năm 2000, chị lấy chồng khi đã trót mang bầu đến tháng thứ 3. Chị thú nhận việc anh chị nên duyên cũng nhờ mẹ chồng chị hết lòng vun vén chứ cả như anh chị có lẽ đã phá thai, chia tay vì khi đó anh chị vừa mới ra trường, đi làm tạm, nuôi thân còn chưa đủ nên chưa dám tính chuyện kết hôn và sinh con.

Nhưng chính nhờ mẹ chồng chị nhân hậu và quyết đoán đã thuyết phục đôi trẻ giữ lại đứa con và làm đám cưới rồi khó đâu gỡ đấy. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời con ạ. Lấy nhau rồi, có vợ có chồng chắc chắn sẽ đỡ khó khăn hơn, sinh cháu ra đã có mẹ đỡ đần, các con không phải lo gì cả”- mẹ chồng chị bảo thế. 

Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ sau ngày cưới thiếu trước hụt sau nên phần lớn mẹ chồng phải phụ đỡ. Khi đứa con đầu lòng được 1 năm, chị gửi về quê cho mẹ chồng chị nuôi giúp. Thương các con, mẹ chồng chị đành bỏ nhà, bỏ cửa lên Hà Nội bế cháu để cho đôi vợ chồng trẻ được sống gần con nhỏ.

Cả gia đình 4 người già có trẻ có sống trong căn nhà trọ chật chội chưa đầy 15m2, lợp mái tôn, mùa hè nóng như hun. Nhờ có mẹ chồng chị đảm đương lo toan công việc gia đình nên vợ chồng chị có nhiều thời gian lo làm ăn, công việc hanh thông thuận lợi.

Sau đó mẹ chồng chị đã tự nguyện bán nhà ở quê lấy tiền cho vợ chồng chị mua nhà, an cư lạc nghiệp. Số tiền bán nhà bà chia đôi, hai cô con gái chia nhau một nửa, còn một nửa cho vợ chồng chị. Nhờ vậy, vợ chồng chị mua được ngôi nhà nhỏ trong ngõ hẻm thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội), xây nhà tạm để mẹ con, bà cháu có tổ ấm giữa Thủ đô. 

Cũng tại ngôi nhà ấy, chị sinh thêm 2 đứa con cũng đều do bàn tay bà nội các cháu chăm lo. Tất cả những ân tình đó, chị Ngân luôn ghi nhớ. Chị coi mẹ chồng như mẹ đẻ và mẹ chồng chị cũng yêu quý chị như con gái, người ngoài không biết quan hệ hai người là mẹ chồng- nàng dâu.

Thay đổi tâm tính sau khi con trai qua đời

Tưởng rằng hạnh phúc không bao giờ rời xa ngôi nhà của chị Ngân, ai ngờ tai họa ập vào ngày chồng chị đột ngột qua đời vì mắc bệnh ung thư gan. Từ đó chị một nách ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn và mẹ già vào cái tuổi gần đất xa trời. 

Nỗi đau mất con trai duy nhất quá lớn, quá đột ngột khiến mẹ chồng chị thay đổi tâm tính. Từ chỗ thương yêu và tin cậy con dâu như con gái, bà trở nên cay nghiệt với con dâu. Bà xét nét chị từng ly từng tí, bất cứ có cuộc điện thoại nào của người đàn ông gọi đến là bà nói bóng nói gió, chì chiết chửi bới chị là loại đàn bà xấu xa, hư hỏng, chồng vừa mất đã hẹn hò tằng tịu với trai.

Rồi bà hờ khóc gọi con trai, chửi rủa con dâu khiến cuộc sống của chị hết sức nặng nề. Chị biết hiện mình là người tự do, chị được quyền làm những việc pháp luật không cấm, chưa kể đó là nhu cầu tình cảm chính đáng. Mẹ chồng chị không thể lấy cái giáo lý cổ hủ từ thế kỷ trước của cuộc đời bà để áp đặt vào cuộc đời của con dâu.

Các con chị cũng đã đủ hiểu biết và lớn khôn để bênh vực mẹ. Trong con mắt chị, mẹ chồng giờ giống như vật cản đường, ảnh hưởng đến công danh và hạnh phúc của chị khiến chị vô cùng bức xúc, ức chế. 

Đã hơn một lần chị gọi điện cho hai cô em chồng để nhờ các em chồng đón mẹ về ở cùng, chị sẽ có trách nhiệm cung cấp tiền hàng tháng nuôi bà. Hai cô em đều đưa ra lý do khó xử, một cô nhà ở huyện miền núi hẻo lánh, con nhỏ, kinh tế lại khó khăn, một cô thì chồng nát rượu, vũ phu đối xử với vợ con còn chẳng ra gì nữa là mẹ vợ tàn tật? 

Nhưng giữa hoàn cảnh đó thì xảy ra một chuyện là mẹ chồng bị ngã, bị chấn thương sọ não. Sau tai nạn, trí óc bà cụ có vấn đề, bà mắc thêm chứng hoang tưởng, suốt ngày ám ảnh con dâu đi “theo trai”. Nhiều khi ban ngày bà lầm lì không nói hoặc ngủ vùi nhưng ban đêm bà thức trắng, chửi bới con dâu và hờ khóc con trai khiến cuộc sống của chị vô cùng bức bối, nặng nề.

Nhiều người khuyên chị có quyền yêu cầu các con ruột của cụ có trách nhiệm nuôi mẹ già chứ chị góa bụa, một nách nuôi ba con thì có lý do chính đáng để không phải cáng đáng nuôi thêm mẹ chồng. Qua tìm hiểu về pháp luật, chị không thấy có quy định nào về việc khi chồng mất, người vợ phải lãnh trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ chồng thay chồng; các con chị chưa thành niên nên cũng không phải gánh trách nhiệm này.

Chị không phải là người thuộc hàng thừa kế, cũng không bị ràng buộc trách nhiệm theo di chúc hay hợp đồng liên quan đến bà cụ nên không phải gánh các nghĩa vụ liên quan. Như vậy chị hoàn toàn có quyền yêu cầu các con gái của cụ phải phụng dưỡng mẹ.

Trải lòng với các chuyên gia của Family, chị Ngân nói rằng nếu chị trả bà cụ cho con gái cụ nuôi như vậy có phần bất nhẫn, nhất là trong hoàn cảnh mẹ chồng chị giờ thành tàn tật. “Thật lòng tôi thấy bà cụ ở nhà mình vẫn là tốt nhất cho bà cụ và bản thân tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn vì mấy chục năm nay bà cụ đã sống cùng gia đình tôi. Nhưng thú thật tôi vẫn không thể chịu đựng nổi mỗi khi bị mẹ chồng vô cớ chửi bới, “vu oan”. Thật lòng chị thấy vô cùng khó xử, không biết phải làm sao bây giờ?  

Chuyên gia của Family tư vấn cho đương sự như sau: 

Về vấn đề chị có phải chịu trách nhiệm phụng dưỡng mẹ chồng thay người chồng quá cố hay không, Luật sư nghĩ rằng chị đã có được câu trả lời rồi. Đây thuộc về phạm trù đạo lý chứ pháp luật không có quy định nào điều chỉnh nên người con dâu như chị không buộc phải gánh trách nhiệm phụng dưỡng mẹ chồng thay chồng hoặc thay các con. 

Tuy vậy, trước băn khoăn của chị, Luật sư vẫn muốn dành cho chị những chia sẻ từ sự trải nghiệm riêng giữa những người phụ nữ với nhau. Các cụ ta đã dạy “trăm cái phúc bên vợ không bằng một cái nợ bên chồng” chị ạ.

Trong hoàn cảnh riêng của chị, hiểu theo một khía cạnh nào đó thì tất cả những tài sản mà chị hiện có: con cái, nhà cửa, công việc đều nhờ gia đình chồng, đều có bàn tay của mẹ chồng chị gây dựng lên. Bởi vậy nên chị hãy nghĩ đến những ân tình trước đây để xử sự với bà cụ sao cho phải. 

Thú thật, khi nghe chị tâm sự đến đoạn: “Để bà cụ ở nhà với mình vẫn thấy tốt hơn cho bà cụ và bản thân mình cũng cảm thấy yên tâm hơn vì mấy chục năm nay bà cụ đã sống cùng gia đình mình”, Luật sư thấy rất cảm động và nghĩ rằng chị đã lựa chọn được cách giải quyết cho tình huống của mình.

Thành ngữ có câu “giọt nước đầu thềm, giọt trước nhỏ đâu giọt sau nhỏ đấy” để răn dạy chúng ta ai cũng từng phải làm dâu rồi mới được làm mẹ chồng. Bởi vậy nếu ta cư xử ân nghĩa với cha mẹ ta thì sau này các con cũng sẽ học theo hiếu thảo với ta. Mẹ già như chuối chín cây, hãy cư xử sao cho để sau này không phải ân hận. Tin chắc rằng người con dâu hiếu thảo, ân tình như chị sau này sẽ luôn gặp may mắn, hạnh phúc. 

Đọc thêm