Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em: Không phải cứ đi tù là xong!

(PLO) - Theo quan điểm của Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, “đối với tội danh cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em có nhiều tình tiết tăng nặng, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em cần bổ sung thêm hình phạt “thiến hóa học”; áp dụng công nghệ giám sát khi đối tượng mãn hạn tù như gắn chíp điện tử, vòng đeo để người dân nhận diện khi tiếp xúc. Có như vậy mới răn đe và hạn chế việc xâm hại tình dục trẻ em”.
Các hành vi bị coi là xâm hại trẻ em
Các hành vi bị coi là xâm hại trẻ em

Vì sao xâm hại nhiều nhưng xử lý ít?

Câu hỏi này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em diễn ra đầu tuần. Đúng như nhận định của Thủ tướng, báo cáo tổng quan về công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em của Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ rõ mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và xử lý. Năm 2016, có 1.724 em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.155 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 67%. Năm 2017,  có 1.642 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.397 em bị xâm hại tình dục, chiếm 85,1%. 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 790 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 605 em bị xâm hại tình dục, chiếm 76,6%. Trong năm 2017 và 2018, một số vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội như vụ em gái 11 tuổi bị cả cha đẻ và ông nội xâm hại tình dục tại Vĩnh Long; trẻ em tại trường mầm non Mầm Xanh (TP Hồ Chí Minh) và cơ sở Mẹ Mười (TP Đà Nẵng) bị bạo lực; cả cha đẻ và mẹ kế bạo hành, không cho trẻ đi học trong thời gian dài (Hà Nội); em gái 13 tuổi tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần (Cà Mau); nhiều vụ dâm ô trẻ em tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Điều đáng buồn nhìn nhận từ các vụ việc xâm hại trẻ em đó là tuổi đời của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại ngày càng nhỏ, đặc biệt có cả những trẻ em tuổi mầm non. Đối tượng xâm hại, bạo lực với trẻ em lại chính là người có trách nhiệm chăm sóc trẻ em như người cao tuổi, cha mẹ, người thân, thầy cô giáo... 

Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã phân tích 479 ca can thiệp cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục từ năm 2015 đến tháng 4/2018 và kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ,...) là 21,3%; bởi giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; bởi các đối tượng khác là 12,6%. 

Tuy vậy, theo Bộ LĐ-TB&XH, những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, bị xử lý (bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng và xâm hại tình dục trẻ em) theo quy định của Bộ luật Hình sự cho nên con số nói trên mới là phần nổi của tảng băng chìm. 

Cần có quy định riêng thu thập chứng cứ

Là người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ trẻ em, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Đoàn Luật sư TP HCM nhấn mạnh những bất cập của pháp luật khi giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em. “Tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định khi nhận được tin tố giác, tin báo từ tội phạm thì cơ quan điều tra xác minh, giải quyết.

Thời hạn giải quyết tố giác tin báo về tội phạm là 20 ngày, tối đa 4 tháng kể từ thời gian gia hạn. Trên cơ sở xác minh có thể ban hành quyết định khởi tố hình sự. Tuy nhiên, việc quy định thời gian điều tra từ khi có tin tố giác là 4 tháng nên cơ quan điều tra đã để cho vụ án kéo dài quá lâu. Vì vậy, khi tiến hành xác minh điều tra lại khó thu thập chứng cứ. Vì vậy, cần có quy định riêng về thu thập chứng cứ trong vụ việc xâm hại trẻ em” – Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nêu quan điểm.

Một vụ án xảy ra ở Bình Chánh (TP HCM), hai em gái sinh đôi 5 tuổi bị hàng xóm hiếp dâm đã được Luật sư Ngọc Nữ đưa ra làm ví dụ. Để giải quyết, cơ quan công an mời hai cháu lên lấy lời khai nhiều lần, mỗi lần lấy lời khai thì yêu cầu hai cháu kể lại diễn biến vụ việc xảy ra như thế nào. Vì hai cháu không thể nhớ chính xác, rõ ràng nên lời khai khác nhau. Từ đó, cơ quan công an cho rằng lời khai bị hại bất nhất nên không hề có xảy ra việc phạm tội. 

“Hiện nay, thực trạng đang diễn ra việc lấy lời khai trẻ em cũng như lấy lời khai của người lớn. Công an lấy lời khai nhiều lần, nhiều thời điểm khác nhau, trong khi các em tuổi còn nhỏ nên qua thời gian không thể nhớ nhất quán về vụ việc xảy ra. Vì vậy, công an cho rằng lời khai của bị hại không có căn cứ. Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự cần có quy định về số lần, cách thức lấy lời khai bị hại là trẻ em, tránh trường hợp lấy lời khai nhiều lần, quy định thuận tiện, nhanh chóng dễ dàng hơn trong việc giám định để thu thập chứng cứ đối với các tội xâm hại trẻ em”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhấn mạnh.

Trên thế giới, ở góc độ pháp luật, nhiều quốc gia không chỉ tăng nặng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em mà còn bổ sung hình phạt “thiến hóa học” (đây là một liệu pháp hormone, người bị “thiến hóa học” sẽ được tiêm chất kháng testosterone, khiến nồng độ hormone testosterone trong cơ thể giảm xuống mức trước tuổi dậy thì, để làm giảm tới mức thấp nhất những nhu cầu về tình dục) và gắn chíp quản lý đối tượng sau khi mãn hạn tù.

Ví dụ như Hàn Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên áp dụng hình phạt “thiến hóa học” từ tháng 7/2011. Tất cả tội phạm xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi có thể bị áp dụng hình phạt này. Gần đây nhất năm 2016, Indonesia cũng đã chính thức áp dụng hình phạt này cho những kẻ tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại quốc đảo. Đây là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng “thiến hóa học”.  

Và đây cũng chính là cơ sở để Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nêu kiến nghị cần tăng nặng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em tại các Điều 142, 144, 145, 146 của Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi bổ sung 2017) như đối với tội danh cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em có nhiều tình tiết tăng nặng, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em cần bổ sung thêm hình phạt “thiến hóa học”, ứng dụng công nghệ giám sát khi đối tượng mãn hạn tù...

Đọc thêm