Trách nhiệm của Trung tâm dạy nghề đối với sinh viên thực hành bị tai nạn

(PLO) - Ông Nguyễn Đình Dần (thành phố Hà Nội) hỏi: Theo hợp đồng ký kết với trường đại học, Trung tâm dạy nghề của chúng tôi có tiếp nhận sinh viên thực hành. Nhưng trong thời gian thực hành, do bất cẩn nên có 1 sinh viên bị tai nạn lao động. Vậy Trung tâm phải có trách nhiệm thế nào, có phải hỗ trợ tiền cho sinh viên đó không?

Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy) trả lời: Việc đầu tiên mà Trung tâm dạy nghề tiếp nhận sinh viên thực hành là phải yêu cầu sinh viên tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của Trung tâm. Đây không chỉ là trách nhiệm của Trung tâm mà còn là trách nhiệm của mỗi sinh viên thực hành. Khoản 3 Điều 70 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định: “3. Học sinh, sinh viên, người học nghề trong thời gian thực hành, học nghề, tập nghề phải tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề. Trường hợp học sinh, sinh viên trong thời gian thực hành bị tai nạn lao động thì được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”.

Tuy nhiên, khi sinh viên bị tai nạn lao động trong thời gian thực hành thì Trung tâm dạy nghề phải có trách nhiệm hỗ trợ. Cụ thể, Điều 33 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: “Trách nhiệm hỗ trợ của cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề đối với học sinh, sinh viên bị tai nạn lao động trong thời gian thực hành theo khoản 3 Điều 70 Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho học sinh, sinh viên bị tai nạn. 2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho học sinh, sinh viên bị tai nạn như sau: a) Tạm ứng và thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế; b) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với học sinh, sinh viên không tham gia bảo hiểm y tế. 3. Giới thiệu để học sinh, sinh viên bị tai nạn lao động được giám định y khoa xác định mức độ tổn thương cơ thể tại Hội đồng giám định y khoa và thanh toán phí khám, giám định mức độ tổn thương cơ thể...”.

Khoản 4 Điều này cũng quy định, cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề có trách nhiệm hỗ trợ 01 lần bằng tiền cho học sinh, sinh viên bị tai nạn lao động với mức như sau: a) Ít nhất bằng 0,6 lần mức lương cơ sở nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% mức suy giảm khả năng lao động được hỗ trợ thêm 0,16 lần mức lương cơ sở nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; b) Ít nhất bằng 12 lần mức lương cơ sở cho học sinh, sinh viên bị suy giảm khả năng lao động từ 8 % trở lên hoặc cho thân nhân học sinh, sinh viên bị chết do tai nạn lao động; c) Thực hiện hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên bị tai nạn lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày có giấy báo tử đối với trường hợp bị chết do tai nạn. 

Như vậy, bên cạnh trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho sinh viên; thanh toán chi phí y tế; giới thiệu sinh viên bị tai nạn lao động được giám định y khoa thì Trung tâm phải có trách nhiệm hỗ trợ 1 lần bằng tiền cho sinh viên bị tai nạn lao động trong thời gian thực hành theo quy định pháp luật. 

Đọc thêm