Tranh chấp đất chưa có giấy tờ, căn cứ nào để giải quyết?

(PLO) - Tranh chấp đất đai chưa có Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai, thì đương sự được nộp đơn tại UBND cấp huyện, cấp tỉnh (tùy theo chủ thể tranh chấp là tổ chức, cá nhân) hoặc khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Vậy, căn cứ  nào để cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với đất chưa có bất cứ một loại giấy tờ gì? 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vào những năm 1985, 1986 ông N và ông K là anh em con chú, con bác ở huyện An Minh (Kiên Giang), mỗi người khai khẩn một thửa đất để trồng lúa khoảng 1,5 đến 2ha. Do đất nơi đây phèn mặn, công sức bỏ ra nhiều nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu nên ông N bỏ đất trống đi làm thuê nơi khác, đến năm 1995 thì quay về tiếp tục sử dụng phần đất tương đối dễ làm, nhưng không rõ diện tích cụ thể là bao nhiêu.

Hai năm sau, ông N chết, các con của ông N cho rằng diện tích đất của cha mình trước đây khai phá chỉ còn lại khoảng 1,6ha là do ông K lấn chiếm nên phát đơn tranh chấp, đề nghị ấp, xã giải quyết. Tuy nhiên, các con của ông N cũng như các con của ông K (được ông K ủy quyền vì già yếu) đều không đưa ra được giấy tờ, chứng cứ gì đối với diện tích đất tranh chấp. 

Vụ việc của chị Hoàng Thị Đào ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) tranh chấp bờ mương và con mương, ước chừng hơn 1.200m2 cũng thuộc trường hợp chưa có giấy tờ chứng nhận. Bên chị Đào cho rằng, con mương này trước đây là do ông nội đào, trên bờ có trồng mấy cây cà na, còn phía gia đình bà M lại khẳng định chính cha mình khi còn sống đã tự tay đào nên con mương và cái bờ này, bằng chứng là bụi tre và cây tràm vẫn còn tồn tại, thỉnh thoảng con bà M còn đốn tre về dùng. Sau khi hòa giải (HG) ở ấp và ở xã không thành, bà M làm đơn đề nghị UBND huyện giải quyết tranh chấp.

Vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, các con của ông N và ông K, chị Đào và  bà M phải cung cấp những giấy tờ, chứng cứ gì và Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Tòa án (nếu đương sự khởi kiện vụ án tranh chấp QSDĐ) dựa vào căn cứ nào để giải quyết tranh chấp?

Khoản 1 Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định: Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có GCN hoặc không có một trong các loại giấy tờ nêu trên thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ như sau:

Thứ nhất, chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra, như biên lai thu thuế đất, giấy tờ thuê mướn nhân công đào đất, giấy tờ chứng minh quá trình khai thác hưởng hoa lợi từ đất, người làm chứng… (nếu có). 

Thứ hai, thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp thông qua việc cơ quan có thẩm quyền đo đạc, thẩm định tại chỗ, vẽ sơ đồ thửa đất, diện tích đất tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương (áp dụng đối với nơi chia đất theo nhân khẩu).  

Thứ ba, sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ tư, chính sách ưu đãi người có công, bởi Nhà nước có quyền giao đất, công nhận QSDĐ.

Thứ năm, quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài những chứng cứ nêu trên, cơ quan có thẩm quyền giải quyết còn có thể căn cứ vào kết quả xác minh thực tế, biên bản hòa giải của xã, ấp, lời khai của các đương sự, giấy tờ giao dịch liên quan đến QSDĐ tự lập của các bên, khả năng sử dụng đất của các bên, kết quả giám định… (nếu có). 

Cung cấp giấy tờ, chứng cứ vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các bên tranh chấp. Vì vậy, ngay sau khi thu thập được chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ việc, đương sự phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giải quyết tranh chấp. 

Đọc thêm