Trợ cấp một lần truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH: Người xác lập hồ sơ, con hay cháu đang thờ cúng được hưởng?

(PLO) - Ai cũng có lý lẽ riêng của mình. Người lập hồ sơ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH) cho rằng “không có tôi lập hồ sơ thì làm gì có chế độ này, nên số tiền này tôi phải là người được hưởng trọn”. Người thờ cúng bảo vệ quan điểm của mình “ai là người thờ cúng, người đó được hưởng”?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cô, cháu tranh chấp tiền trợ cấp

Đã nhiều năm trôi qua, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện A.M (Kiên Giang) chưa thể trao số tiền trợ cấp một lần cho thân nhân khi truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH), do những thân nhân của Bà mẹ này tranh chấp.

Những năm trước đây, thực hiện Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, anh Quân là cháu nội đại diện cho thân nhân đứng ra xác lập hồ sơ truy tặng Danh hiệu BMVNAH cho cụ Thơm. Sau một thời gian chờ đợi, quyết định truy tặng Danh hiệu và số tiền trợ cấp một lần hơn 40 triệu đồng, đã được chuyển về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện.

Tuy nhiên, rắc rối xảy ra chuyện tranh chấp số tiền trợ cấp một lần hơn 40 triệu giữa bà Nga là người con gái của cụ với các cháu nội của cụ tên Quân và Nghĩa. Quân là người đã trực tiếp xác lập hồ sơ truy tặng danh hiệu cho cụ, Nghĩa là người có thời gian chăm sóc cụ và hiện đang thờ cúng cụ, còn bà Nga (đã hơn 70 tuổi) là người con gái còn sống duy nhất của cụ.

Theo như lời trình bày của Phó Chủ tịch UBND xã: Ai cũng có lý lẽ riêng của mình. Anh Quân lập luận “không có tôi lập hồ sơ thì làm gì có chế độ này, nên số tiền này tôi phải là người được hưởng trọn”. Anh Nghĩa bảo vệ quan điểm của mình “ai là người thờ cúng, người đó được hưởng”. Còn bà Nga thì theo phe anh Quân, hai cô cháu quyết dành được số tiền này, không thể chia sẻ một đồng nào cho anh Nghĩa. 

Việc tranh chấp số tiền trên, xã đã kiên trì hòa giải đến 05 lần, nhưng bất phân thắng bại. Thừa kế theo pháp luật, bà Nga thuộc hàng thừa kế thứ nhất cũng không xong. Người đang thờ cúng được hưởng cũng không thành. Dĩ hòa vi quý chia đôi cho anh Quân và bà Nga được hưởng một nửa, còn anh Nghĩa được hưởng một nửa cũng không được các bên chấp nhận. Bởi vậy, đã nhiều năm qua, huyện và xã cũng chưa biết phải giải quyết như thế nào cho trường hợp tranh chấp chưa từng có tiền lệ này?

Thừa kế theo pháp luật, mỗi người được hưởng một phần

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012 (sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng) quy định các chế độ ưu đãi đối với BMVNAH bao gồm: Các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh này…(Khoản 1 Điều 15). Thân nhân liệt sĩ bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; Vợ hoặc chồng; Con; Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ. Như vậy, thân nhân liệt sĩ quy định được dựa trên hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/BNV-BQP-BLĐTBXH ngày 10/10/2014 của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội: “Đối với bà mẹ được truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì khoản tiền một lần và hiện vật khen thưởng được trao cho người chồng; nếu người chồng đã từ trần thì trao cho con hoặc vợ liệt sĩ thường xuyên giữ trách nhiệm thờ cúng bà mẹ; trường hợp bà mẹ không còn chồng, con thì trao cho người thân gần nhất chịu trách nhiệm thờ cúng, chăm sóc phần mộ của bà mẹ, theo đề nghị bằng văn bản của chính quyền cấp xã nơi bà mẹ cư trú khi còn sống”. 

Theo Luật gia Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang, sở dĩ quy định tiền và hiện vật được trao cho con hoặc vợ liệt sĩ gắn với “thường xuyên giữ trách nhiệm thờ cúng bà mẹ”, bởi pháp luật trù liệu đến bà mẹ có nhiều con, nhiều vợ của các liệt sĩ nên tiêu chí phụ này để ưu tiên cho người thờ cúng.

Do chồng cụ Thơm không còn, vợ liệt sĩ không có, còn con của cụ Thơm là bà Nga thì lại là người không giữ trách nhiệm thường xuyên thờ cúng bà mẹ nên không được hưởng số tiền trợ cấp một lần nêu trên. Còn anh Nghĩa, tuy là người thân đang thờ cúng cụ Thơm nhưng không phải là người thân gần nhất, hơn nữa bà Nga hiện còn sống nên cũng chưa đến lượt được hưởng.

Ông Độ phân tích, căn cứ vào Điều 4 Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, số tiền trợ cấp một lần là của BMVNAH được hưởng, thế nên nó trở thành di sản thừa kế của cụ Thơm. Theo đó, số tiền này được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất bao gồm anh, chị, em bà Nga và bà Nga. Đối với anh Quân, anh Nghĩa..., do cha, mẹ mình đã chết trước bà Thơm nên được hưởng suất thừa kế thế vị mà cha, mẹ mình được hưởng nếu còn sống theo Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015. 

(Tên nhân vật đã thay đổi)

Đọc thêm