Trợ giảng trong trường đại học công lập cần tiêu chuẩn nào?

(PLVN) - Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 12/12/2020 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập, trong đó có chức danh nghề nghiệp trợ giảng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định chức danh nghề nghiệp trợ giảng (hạng III, Mã số: V.07.01.23) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.  Theo Thông tư, trợ giảng có nhiệm vụ: Hỗ trợ giảng viên (hạng III), giảng viên chính (hạng II), giảng viên cao cấp (hạng I) trong các hoạt động giảng dạy, bao gồm: Chuẩn bị bài giảng, phụ đạo, hướng dẫn bài tập, thảo luận, thí nghiệm, thực hành, thực tập và chấm bài;

Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;  Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH công lập và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT cũng đưa ra một số tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của trợ giảng như: Có bằng ĐH trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy. Bên cạnh đó, còn phải đảm bảo tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể như:

Nắm vững kiến thức cơ bản của môn học được phân công hướng dẫn thực hành, thí nghiệm, thực tập và có kiến thức tổng quát về một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo;  Hiểu và thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch, nội dung, chương trình các môn học được phân công thuộc chuyên ngành đào tạo; 

Xác định được thực tiễn và xu thế phát triển đào tạo, nghiên cứu của chuyên ngành ở trong và ngoài nước; Sử dụng có hiệu quả và an toàn các phương tiện dạy học, trang thiết bị dạy học;  Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ của chức danh trợ giảng (hạng III).

Ngoài ra, Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT đưa ra tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH công lập như: Tâm huyết với nghề, giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng;. Tận tụy với công việc; thực hiện đúng nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục ĐH công lập và các quy định pháp luật của ngành;  Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí. 

Đọc thêm