Trong “cơn bão” Corona, cùng tìm hiểu Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

(PLVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) tại Việt Nam, chiều 1/2.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Quảng Ninh.

Theo PGS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế), đây là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ công bố dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra ở Việt Nam. Ông Phu cho hay, mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố và thẩm quyền tùy theo mức độ bệnh truyền nhiễm.

Trong đó, Thủ tướng công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm: Bại liệt; cúm A-H5N1; dịch hạch; đậu mùa; sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nile; sốt vàng; tả; viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

“Virus Corona thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A, đã phát hiện người mắc bệnh ở ba tỉnh Khánh Hoà, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá. Vì vậy Thủ tướng công bố dịch là đúng thẩm quyền”, ông Phu nói.

“Việc công bố dịch nhằm thông báo Việt Nam đã có dịch và áp dụng các biện pháp phòng, chống cần thiết, trong đó có những biện pháp bắt buộc với cả Chính phủ và người dân theo luật định”.

Sau khi công bố dịch, Chính phủ và các tổ chức, người dân phải thực hiện nhiều nhóm biện pháp theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Cụ thể như, thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia; tổ chức cách ly y tế; cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch...

Luật cũng nêu rõ, người mắc bệnh dịch hoặc phát hiện, nghi ngờ người khác mắc bệnh dịch phải khai báo với cơ quan y tế; cơ quan y tế báo cáo chính quyền địa phương để triển khai biện pháp phòng chống. 

Tạm dừng mọi hoạt động tại di tích tránh lây lan dịch corona

Hôm qua (3/2), Bộ VHTT&DL đã phát đi công điện của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona trong hoạt động lễ hội, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Theo đó, Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo dừng tất cả các lễ hội, kể cả các lễ hội đã khai mạc tại các địa phương đã công bố dịch.

Bộ này cũng đề nghị UBND các địa phương cho dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công, nhằm tránh tập trung đông người. 

Những người này sẽ được phân loại, sơ cứu, cấp cứu kịp thời. Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A sẽ được khám và điều trị miễn phí. Ban Chỉ đạo chống dịch huy động thuốc, thiết bị y tế, cử bác sĩ trực 24/24 để sẵn sàng cấp cứu; điều động nhân lực vào các vùng dịch để cấp cứu, điều trị tại chỗ hoặc chuyển người bệnh đến cơ sở y tế.

Người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải được cách ly; nếu không tuân thủ sẽ bị cưỡng chế. 

Khi cần thiết, cơ quan chức năng có thể dừng hoạt động cơ sở ăn uống công cộng có nguy cơ làm dịch bệnh lây lan; cấm kinh doanh, sử dụng thực phẩm được xác định là trung gian truyền dịch bệnh; hạn chế tập trung đông người; dừng hoạt động khu vui chơi, giải trí tại vùng có dịch.

Cơ quan chức năng cũng cấm vận chuyển động, thực vật, hàng hoá có khả năng lây bệnh từ vùng có dịch đến nơi khác; hạn chế người và phương tiện ra vào vùng có dịch; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế.

Theo ông Trần Đắc Phu, Việt Nam đang và sẽ chủ động thực hiện các biện pháp theo luật định. “Thực ra trước khi Thủ tướng công bố dịch, chúng ta đã đi trước một bước, ví dụ lập Ban Chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban; thực hiện khai báo, cách ly y tế; truyền thông về dịch đến người dân...”, ông Phu nói.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định, nhiều biện pháp lẽ ra triển khai sau khi công bố dịch đã được Việt Nam thực hiện từ trước; có những việc Thủ tướng trực tiếp liên hệ với lãnh đạo các bộ, ngành mà không qua văn bản. “Đơn cử như chỉ đạo việc cho học sinh nghỉ học, Thủ tướng đã gọi điện, trao đổi với Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ”, ông Dũng nói.

Một ngày sau khi công bố dịch, Thủ tướng tiếp tục có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp như: Hạn chế tập trung đông người; dừng tất cả lễ hội (kể cả lễ hội đã khai mạc); chuẩn bị triển khai việc đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước; đẩy mạnh việc tập huấn chuyên môn phòng, chống dịch cho các địa phương...

Về lý do Việt Nam chưa ban bố tình trạng khẩn cấp, ông Trần Đắc Phu phân tích: Việc này được thực hiện trên nguyên tắc “khi dịch lây lan trên diện rộng, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ con người và kinh tế - xã hội đất nước”,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng; nếu Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

“Đến lúc này, Việt Nam vẫn đủ khả năng kiểm soát dịch nCoV, chưa cần thiết kêu gọi quốc tế trợ giúp. Chúng ta chỉ cần sự chia sẻ thông tin, các phương thức kỹ thuật hoặc những nghiên cứu mới về chủng virus để chống dịch hiệu quả hơn”, ông Phu nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang theo dõi diễn biến mức độ dịch nCoV và tính toán thời điểm hợp lý để đề xuất công bố tình trạng khẩn cấp.

Vì sao không công bố danh tính, hình ảnh người nhiễm virus Corona?

Tính đến nay, danh tính và hình ảnh của các bệnh nhân nhiễm virus Corona không được công bố. Điều này pháp luật quy định thế nào?

Một luật sư (LS) thuộc Đoàn LS TP HCM cho biết, theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cụ thể là khoản 5 Điều 8 quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. 

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 33 Luật này quy định thầy thuốc, nhân viên y tế giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

Do đó, theo LS, để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân thì Bộ Y tế và các cơ quan truyền thông không công khai tên tuổi, hình ảnh của bệnh nhân.

Mặc dù vậy, việc cách ly các ca bệnh và kiểm soát các vấn đề liên quan đến người bệnh như đã tiếp xúc với những ai, di chuyển từ đâu đến đâu, số hiệu chuyến bay/chuyến tàu nào... đều được thông báo cụ thể đến địa phương nơi có người tiếp xúc với ca bệnh.

Tuy nhiên, LS cũng cho rằng trong một số trường hợp, việc đưa thông tin và hình ảnh của bệnh nhân để phòng chống bệnh chứ không phải phân biệt đối xử thì vẫn có thể được chấp nhận.

“Virus Corona có mức độ lây lan và nguy hiểm cao. Luật quy định cấm đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực; còn trong trường hợp đưa thông tin để khuyến cáo với chủ đích tích cực thì vẫn có thể được chấp nhận. Nếu cơ quan nhà nước yêu cầu thì bệnh viện và bác sĩ phải cung cấp”, LS nói.

Đọc thêm