Trường hợp vụ án dân sự không hòa giải được

(PLO) - Hỏi: Trong vụ án có nhiều đương sự, nếu có một đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị không tiến hành hòa giải thì có thuộc trường hợp vụ án dân sự không hòa giải được theo quy định tại khoản 4 Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 không?

Tòa án nhân dân Tối cao trả lời: Khoản 4 Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định một trong các trường hợp vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được là: “Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải”. Như vậy, trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đề nghị không tiến hành hòa giải là trường hợp vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 209 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, nếu trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hòa giải và việc tiến hành hòa giải không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành hòa giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên hòa giải và việc mở lại phiên hòa giải cho đương sự.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 212 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, nếu các đương sự có mặt tại phiên hòa giải thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.

Đọc thêm