Từ 1/4/2017, Hà Nội chấm dứt sử dụng văn bản giấy

(PLO) - Theo kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước TP Hà Nội năm 2017, thành phố dự kiến 100% các đơn vị sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối dịch vụ công thống nhất toàn thành phố và kết nối với hệ thống dịch vụ công mức 3, 4. Phấn đấu đến ngày 1/4/2017, chấm dứt việc sử dụng văn bản giấy, giấy mời đối với tất cả các sở, ban, ngành, đơn vị.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cha mẹ dễ dàng quản lý việc học của con

TP Hà Nội sẽ phấn đấu đảm bảo tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lĩnh vực tư pháp, đăng ký kinh doanh đạt trên 60%; các dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực khác đạt tối thiểu 30% được thực hiện qua mạng. Duy trì cập nhật cơ sở dữ liệu dân cư; triển khai số hóa; xây dựng và duy trì 4 cơ sở dữ liệu quan trọng: đất đai, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, cán bộ công chức, tư pháp - hộ tịch…

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), thành phố đang tập trung triển khai hệ thống sổ điểm điện tử. Tính đến thời điểm tháng 2/2017, 100% các phòng GD&ĐT, trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên đã áp dụng sổ điểm điện tử. Cụ thể, đã có 808/860 đơn vị cập nhật được 540.642/584.404 học sinh, cấp 34.103/34.036 tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các đơn vị. Các đơn vị cũng đã tiến hành cập nhật đầy đủ hồ sơ học sinh, in sổ điểm cá nhân cho từng giáo viên, từng môn học; đồng thời giáo viên các bộ môn tự nhập điểm định kỳ lên hệ thống.

Tại báo cáo khung kiến trúc lộ trình xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, TP Hà Nội đã xây dựng Khung kiến trúc cơ quan điện tử Hà Nội theo mô hình khái quát gồm 2 cấp: Khung kiến trúc chủ đạo cấp thành phố; Khung kiến trúc cấp cơ sở áp dụng cho đơn vị cấp 2, kiến trúc phân khúc áp dụng để xây dựng các dòng nghiệp vụ và các Khung cấp 2 theo hướng dẫn của Khung kiến trúc chủ đạo. Khung kiến trúc sẽ là một công cụ giúp cho việc định hướng chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các ứng dụng CNTT của thành phố một cách hệ thống thống nhất và nhất quán, phối hợp và khai thác tốt các tài sản thông tin trong quá trình quản lý điều hành của các đơn vị…

Quyết liệt ứng dụng CNTT

Trong công tác xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội đang nỗ lực tìm kiếm, triển khai các giải pháp như: xây dựng và tìm cách khai thác cơ sở dữ liệu dân cư của Hà Nội; triển khai học bạ điện tử; tổ chức cuộc thi ý tưởng giải pháp cho tổ chức giao thông và chống ùn tắc giao thông cho Hà Nội. Năm 2017, thành phố đề xuất giao cho Tập đoàn Viettel xây dựng và thực hiện 4 đề án trong 3 lĩnh vực dịch vụ công thông minh, y tế thông minh và giao thông thông minh… 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để đạt được 70% hồ sơ sử dụng dịch vụ công mức 3 là sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và một lộ trình cụ thể của TP Hà Nội. Do vậy, ông Chung đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục triển khai có hiệu quả dịch vụ công mức 3,4 đến người dân, doanh nghiệp... Đặc biệt, giao Sở TT&TT chủ trì chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thực hiện ngay trong tháng 2 việc xử lý văn bản qua hệ thống mạng của thành phố. Phấn đấu đến ngày 1/4/2017 chấm dứt việc sử dụng văn bản giấy, giấy mời đối với tất cả các sở, ban, ngành, đơn vị; trang bị thiết bị CNTT (máy tính bảng, điện thoại thông minh) cho cán bộ chủ chốt ở sở, ngành, quận, huyện. 

Ngoài ra, Chủ tịch Hà Nội cũng chỉ đạo  Sở TT&TT phối hợp cùng nhiều sở, ngành như Y tế, GD&ĐT, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng dữ liệu quản lý về khám chữa bệnh, BHYT; kiểm định ô tô, cấp giấy phép lái xe; tích hợp dữ liệu về người có công, người cao tuổi, hộ nghèo… Ông Chung cũng giao Sở TT&TT phối hợp với văn phòng UBND, Thanh tra thành lập hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện dịch vụ công mức 3.

Đánh giá cao sự quyết liệt của các quận, huyện, đơn vị trong việc ứng dụng CNTT vào các dịch vụ công, ông Chung khẳng định, năm 2017 là năm bản lề, cốt lõi để thực hiện các nội dung xây dựng khung Chính phủ điện tử của thành phố. Các địa phương, đơn vị phải xác định việc triển khai các nội dung về chương trình CNTT năm 2017 theo lộ trình và kế hoạch UBND TP đã ban hành là một trong những việc trọng tâm hàng đầu trong công cuộc cải cách hành chính của thành phố, vì đây là công cụ hữu hiệu nhất để cải cách hành chính, là khâu đột phá và hình thành cơ bản bộ khung của Chính phủ điện tử.

Đọc thêm