Tuyệt đối không phê nội dung về chấp hành chủ trương, pháp luật vào Sơ yếu lý lịch của công dân

(PLO) - Đây là khẳng định của Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển khi chủ trì buổi họp báo công tác tư pháp quý III năm 2017 diễn ra chiều qua (19/10). Bên cạnh đó, nhiều nội dung khác được báo chí quan tâm đặt câu hỏi cũng được Người phát ngôn của Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời.
Ông Đỗ Đức Hiển chủ trì buổi họp.
Ông Đỗ Đức Hiển chủ trì buổi họp.

Đã có Đề án quản lý, xử lý tài sản ảo

Báo cáo kết quả công tác quý III năm 2017, ông Đỗ Đức Hiển điểm lại nhiều thành quả nổi bật. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 đề án, văn bản; thực hiện thẩm định 59 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), 10 đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ và 15 điều ước quốc tế; đã kiểm tra 855 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, bước đầu phát hiện 54 văn bản sai về nội dung (hiện có 23 văn bản đã được xử lý, các văn bản còn lại đang trong quá trình xử lý theo quy định). Bộ cũng tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc sát sao các bộ, ngành nợ đọng nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh... Riêng Bộ Tư pháp không nợ văn bản quy định chi tiết nào.

Trong công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, Bộ tiếp tục mở rộng triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch 17 tỉnh, thành. Quý III/2017 toàn hệ thống đã ghi nhận gần 220 nghìn trường hợp đăng ký khai sinh (trong đó có 150.951 trường hợp đăng ký khai sinh được cấp Số định danh cá nhân) và 37 nghìn trường hợp đăng ký khai tử. Đối với công tác thi hành án dân sự năm 2017, so với chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao, đã thi hành vượt chỉ tiêu cả về việc (vượt 9,24%) và về tiền (vượt 8,30%). Bộ còn cấp 286 Phiếu lý lịch tư pháp (117 Phiếu số 1 và 169 Phiếu số 2); tiếp nhận và giải quyết hơn 210 nghìn trường hợp yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm...

Cùng với thông tin một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian cuối năm 2017, ông Hiển cũng giới thiệu những nội dung cơ bản trong các văn bản mới được ban hành do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Trong đó có Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. 

Chưa có khái niệm về biển số đẹp

Tại buổi họp báo, ông Hiển cho biết, về phản ánh của báo chí liên quan đến công tác chứng thực đối với một số địa phương chứng thực chữ ký trong Sơ yếu lý lịch của công dân không đúng quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP là có thực, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất lợi cho công dân khi sử dụng Sơ yếu lý lịch. Để chấn chỉnh tình trạng này và đảm bảo thực hiện tốt Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, ông Hiển thông tin, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đã có Công văn số 873/HTQTCT-CT gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Theo đó, Công văn yêu cầu tiếp tục phổ biến, quán triệt và chỉ đạo đến tất cả các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực trên địa bàn tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về việc chấp hành chủ trương, pháp luật, chính sách, quy định… của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân; chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên Sơ yếu lý lịch theo đúng quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trong trường hợp cơ quan, tổ chức vi phạm quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Liên quan đến băn khoăn của phóng viên liệu đến khi Đề án đấu giá biển số xe ô tô được thông qua có thể sẽ không còn biển số xe đẹp được đưa ra đấu giá bởi các biển số xe đẹp gần đây được cấp liên tục một cách “ngẫu nhiên”, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai chia sẻ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp vừa qua đã tích cực phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính xây dựng Đề án đấu giá biển số xe ô tô. Trong Dự thảo Đề án mới nhất do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng khác xây dựng thì không có khái niệm biển số xe đẹp. Bà Mai cũng hiểu rằng trong thuật ngữ kỹ thuật về biển số xe, Bộ Công an cũng không đưa ra khái niệm biển số xe đẹp mà mỗi thời kỳ sẽ đưa ra một loạt biển số vào kho biển số để đấu giá. 

Kết quả khảo sát, kiểm tra thực tiễn thí điểm đấu giá biển số xe của Bộ Công an tại một số địa phương như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Đà Nẵng thì khái niệm “biển đẹp” xuất phát từ nhu cầu của người dân, còn trong kho biển số không có khái niệm biển số xe đẹp hay biển số xe không đẹp. Xét về khía cạnh pháp lý, theo bà Mai, cho đến khi Đề án đấu giá biển số xe ô tô được thông qua thì tất cả các biển số xe đang có được thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư 41, Thông tư 15 của Bộ Công an sẽ đăng ký như hiện hành. Trường hợp Đề án được thông qua, sẽ sửa đổi các quy định hiện nay về cơ chế đăng ký biển số xe, lúc đó mới đặt vấn đề “biển số nào đưa ra đấu giá, biển số nào không đấu giá được thì có cơ chế để người dân lựa chọn”.

Đọc thêm