Ủy quyền của ngân hàng trong giai đoạn thi hành án dân sự

(PLO) - Thời gian qua, các bản án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng ngày càng nhiều, số việc thi hành án do tổ chức tín dụng, ngân hàng yêu cầu thi hành án ngày càng tăng và thực tiễn thi hành án cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề ủy quyền của ngân hàng đối với các chi nhánh của ngân hàng tại các tỉnh, thành phố về yêu cầu thi hành án, nhận tiền hoàn tạm ứng án phí...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án Dân sự (THADS) thì người được thi hành án có quyền “Ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình”.

Đối với việc yêu cầu thi hành án, Điều 31 Luật THADS đã quy định rõ: “Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi qua bưu điện”.

Tuy nhiên, Luật THADS không quy định về trình tự, thủ tục ủy quyền dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, ủy quyền yêu cầu thi hành án: Trong Quyết định ủy quyền của Ngân hàng N, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng đã ủy quyền cho một chức danh đủ điều kiện thay mình tham gia các hoạt động thi hành án mà không liệt kê hết các quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án, dẫn đến việc cơ quan THADS không thấy trong phạm vi ủy quyền có ủy quyền nội dung yêu cầu thi hành án nên đã không nhận đơn yêu cầu của người được ủy quyền.

Về vấn đề ủy quyền, Luật THADS và văn bản hướng dẫn thi hành không quy định trình tự thủ tục nên việc ủy quyền thực hiện theo Bộ luật Dân sự. Do đó, việc đại diện theo pháp luật của Ngân hàng N đã thực hiện việc ủy quyền cho một chức danh thay mình với tư cách người được thi hành án là phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự.

Tuy nhiên, để rõ ràng và phù hợp với Luật THADS thì phạm vi ủy quyền Quyết định ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng N cần nêu rõ từng nội dung ủy quyền, liệt kê đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án.

Trường hợp thứ hai, ủy quyền nhận tiền hoàn tạm ứng án phí: Đối với bản án, quyết định của Tòa án quyết định hoàn trả lại khoản án phí đã nộp, ví dụ “Ngân hàng B không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, hoàn trả lại cho Ngân hàng B 21 triệu đồng tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại đã nộp”.

Sau đó, Chi nhánh L của Ngân hàng B đã đề nghị cơ quan thi hành án gửi tiền hoàn án phí vào tài khoản của Chi nhánh L và xuất trình Quyết định ủy quyền thường xuyên của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng B cho Giám đốc Ngân hàng B - Chi nhánh L, trong đó phạm vi ủy quyền đã nêu rõ từng nội dung ủy quyền, cụ thể có ủy quyền việc “nộp tiền tạm ứng án phí và nhận hoàn tiền tạm ứng án phí đã nộp” cho các bản án, quyết định được thi hành án nói chung.

Cơ quan THADS không đồng ý với Quyết định ủy quyền chung chung như vậy mà yêu cầu Chi nhánh L nếu muốn nhận tiền thì phải xuất trình văn bản ủy quyền với điều kiện trong văn bản ủy quyền phải ghi đầy đủ thông tin về người được ủy quyền, người nhận ủy quyền, số tiền nhận lại theo Bản án nào, số tiền bao nhiêu, thời hạn ủy quyền.

Trong trường hợp này, mặc dù Luật THADS không quy định về trình tự, thủ tục ủy quyền cụ thể, nhưng để việc trả tiền được đúng địa chỉ của đơn vị đã nộp tạm ứng án phí là Ngân hàng B, tránh những khiếu nại về sau.

Tuy nhiên, theo quan điểm tác giả, trong các trường hợp ủy quyền này, để tạo điều kiện cho Ngân hàng trong trường hợp các bản án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng ngày càng nhiều thì việc ủy quyền thường xuyên với thẩm quyền, hình thức, nội dung... của văn bản ủy quyền phù hợp với Bộ luật Dân sự nên được cơ quan THADS chấp thuận.

Đọc thêm