Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội: Có thể bị phạt tới 75 triệu đồng

(PLO) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)  đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH có thể bị phạt tới 75 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NLĐ bị phạt nếu thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc không đóng BHXH

Điều 37 Dự thảo Nghị định này về vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc, BHTN , nêu rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với NLĐ có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động (NSDLĐ) không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN  hoặc tham gia không đúng mức quy định.

NSDLĐ có một trong các hành vi “trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)”, “Chậm đóng tiền BHXH bắt buộc, BHTN ”, hoặc “Chiếm dụng tiền đóng BHXH bắt buộc, BHTN”, có thể bị phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN  tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng, đối với NSDLĐ trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH bắt buộc, BHTN  của toàn bộ NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.

Người vi phạm bị buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN  chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm nói trên, đồng thời bị buộc nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của NSDLĐ để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Làm sai lệch hồ sơ bảo hiểm – phạt tới 10 triệu đồng

Liên quan đến các vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH, BHTN, NLĐ có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, BHTN  có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. 

Mức phạt được nâng lên từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng nếu NLĐ có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN  sau đây: Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi NLĐ có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hàng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trong khi đó, NSDLĐ có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng nếu có hành vi không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của NSDLĐ khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật.

NSDLĐ có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BHTN  để trục lợi chế độ BHXH, BHTN  mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BHTN  làm giả, làm sai lệch nội dung, có thể bị phạt tiền từ 5 đồng đến 10 triệu đồng đối với NSDLĐ.

NSDLĐ khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ mà có hành vi tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ không theo đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng nêu biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm buộc nộp lại cho tổ chức BHXH số tiền BHXH, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm nói trên, buộc tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ đúng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt….

Đọc thêm