Vi phạm hợp đồng do ảnh hưởng dịch Covid-19: Có được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

(PLVN) - Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn tới toàn bộ nền kinh tế. Nhiều cá nhân, tổ chức cho rằng, lý do dịch bệnh là bất khả kháng để phá vỡ hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy theo quy định pháp luật thì dịch Covid-19 ảnh hưởng tới trách nhiệm các bên trong thực hiện hợp đồng đã ký kết ra sao?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Luật sư Phạm Công Dự (Công ty Luật Minh Nghĩa - Đoàn Luật sư Hà Nội): Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Hệ quả pháp lý trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 2 Điều 351 BLDS 2015. Theo đó, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 cũng quy định bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra; khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại; phải có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình (Điều 295 Luật Thương mại 2005).

Luật sư Dự cho biết, đối với sự kiện Covid-19, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19.

Do đó, Covid-19 có thể đáp ứng đầy đủ điều kiện cơ bản để được coi là một sự kiện bất khả kháng theo quy định của BLDS 2015 đối với các hợp đồng được giao kết trước khi xảy ra Covid-19. Tuy nhiên, việc xác định liệu Covid-19 có dẫn đến hệ quả bên bị ảnh hưởng không thực hiện được đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng mà cụ thể là nghĩa vụ thanh toán hay không cần được đặt trong bối cảnh cụ thể của từng hợp đồng.

Cũng theo Luật sư Dự, Covid-19 có thể kéo dài, do đó Điều 296 Luật Thương mại năm 2005 quy định các bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, không được kéo dài quá các thời hạn: 5 tháng đối với hàng hóa, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thỏa thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng; 8 tháng đối với hàng hóa, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thỏa thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng. “Trường hợp kéo dài quá các thời hạn thì các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại”, Luật sư Dự nói.

Đọc thêm