Việt Nam lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

(PLO) -Giới thiệu về Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu nhấn mạnh, những nội dung đổi mới của BLHS năm 2015 bao gồm cả phần những quy định chung lẫn phần các tội phạm cụ thể. 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Tiến Châu giới thiệu BLHS 2015
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Tiến Châu giới thiệu BLHS 2015

Một trong những nội dung mới này là BLHS năm 2015 có nhiều quy định góp phần bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó đáng chú ý là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự nước ta, chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đã được bổ sung vào BLHS.

Thay đổi nhận thức truyền thống về tội phạm và hình phạt

Chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được thể hiện tập trung tại Chương XI của BLHS, gồm 16 điều (từ Điều 74  đến Điều 89) và trong 08 điều khác thuộc Phần những quy định chung của Bộ luật cũng như 33 điều thuộc Phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật. Đây là điểm đổi mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt. 

Phải nói rằng, việc bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào BLHS xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn và là kết quả của gần 16 năm (từ 1999 đến nay) kiên trì, bền bỉ nghiên cứu, đề xuất của Chính phủ và đã được Quốc hội chấp thuận nhằm góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của pháp nhân trong thời gian qua, nhất là những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường, đồng thời tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của pháp nhân gây ra. Thứ trưởng Châu cho rằng: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề mới, hết sức phức tạp, do vậy, để bảo đảm sự thận trọng trong việc quy định chính sách mới, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, BLHS năm 2015 đã xác định rõ giới hạn áp dụng chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hướng hẹp cả về chủ thể lẫn về loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, về chủ thể, Điều 2 của BLHS quy định chế định này chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại. Về loại tội, Điều 76 quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh được liệt kê cụ thể tại Điều 76 của BLHS (chiếm tỷ lệ 10,50%). Trong đó, có 22 tội danh thuộc nhóm các tội phạm về kinh tế, 9 tội danh thuộc nhóm các tội phạm về môi trường và chỉ có 22 tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Đồng thời, Điều 75 thì quy định rõ 4 điều kiện để một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm: hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Hệ thống chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội được quy định tại Điều 33 và Điều 46 của BLHS gồm 3 hình phạt chính (phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn), 3 hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính) và 4 biện pháp tư pháp (tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra). 

Tội cố ý làm trái được thay thế bằng nhiều tội danh cụ thể hơn

Cùng với chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại lần đầu tiên được ghi nhận thì một điểm đáng lưu ý của BLHS nhằm góp phần bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là BLHS năm 2015 đã thay thế Điều 165 BLHS hiện hành (Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) bằng 9 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất. 

Theo Thứ trưởng Châu, nội dung này không chỉ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 mà còn tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, tránh sự tùy tiện trong áp dụng. Đây là quy định được cân nhắc kỹ kết quả tổng kết thực tiễn xét xử về tội cố ý làm trái quy định cũng như rà soát quy định của các luật chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý kinh tế. Vì vậy, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các tội danh hiện có trong Chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự kinh tế (gồm 38 điều), BLHS năm 2015 còn bổ sung một số tội danh nhằm đấu tranh chống các hành vi nguy hiểm mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường trong các lĩnh vực vừa liệt kê. 

Không những thế, BLHS năm 2015 (Chương XVIII) đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế theo hướng phi tội phạm hóa đối với 4 tội danh được quy định trong BLHS năm 1999. Đó là các tội: kinh doanh trái phép; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Đồng thời, bổ sung 16 tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế, trong đó, tội vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a) được bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017. Đặc biệt, Bộ luật quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 22 tội danh thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa; thuế, chứng khoán, bảo hiểm… và tăng phạt tiền với tính cách là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Đọc thêm