Vụ hai đứa trẻ sơ sinh bị trao nhầm: Đừng vội bàn chuyện pháp lý khi chưa bàn thấu đáo chuyện tình người

(PLO) - Mấy ngày gần đây, vụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Có ý kiến cho rằng, giải quyết vụ việc này không nên chỉ nhìn nhận về mặt pháp luật, bồi thường tiền bạc hay khiếu kiện mà theo đó nên nhìn vấn đề ở một hướng tích cực hơn, cần lắng nghe ý kiến của con trẻ, tránh làm tổn thương tâm lý của trẻ.
Hai đứa trẻ trong vụ trao nhầm con
Hai đứa trẻ trong vụ trao nhầm con

Trao đổi về vấn đề trách nhiệm của Bệnh viện trong vấn đề này, luật sư Bùi Thế Vinh - Văn phòng Luật sư Thái Minh cho rằng: “Đây là một việc chưa có tiền lệ trong xét xử do đó cần phải cân nhắc, xử lý thế nào, mức độ ra sao còn phụ thuộc căn bản vào yêu cầu của hai gia đình. Đối với trường hợp này, hậu quả xảy ra các gia đình cũng đã nhận biết rồi, vấn đề yêu cầu xử lý thế nào phụ thuộc nhiều vào quan điểm của hai gia đình này”.

Ngoài ra, theo luật sư Phan Nhật Luận (Hội Luật gia TP Hà Nội) cho biết, trong câu chuyện này, y sĩ, nữ hộ sinh đã không hoàn thành nhiệm vụ để dẫn đến hậu quả là trao nhầm trẻ. Đó là lỗi trong công việc và có thể bị xử lý kỷ luật, với nhiều hình thức,... đồng thời, sự không hoàn thành nhiệm vụ đó đã gây ảnh hưởng đến mặt tinh thần, vật chất cho các gia đình. 

“Theo đó, bệnh viện phải bồi thường về mặt tinh thần cho các gia đình. Tuy nhiên để xác định bồi thường về mặt tinh thần theo pháp luật thì rất mông lung do không thể định lượng được. Trong những trường hợp này, thông thường sẽ có một hội đồng giám định, theo đó hội đồng sẽ giám định xem họ thiệt hại về mặt tinh thần như thế nào, từ đó mới có thể đưa ra mức yêu cầu bồi thường được hoặc các bên cũng có thể tự thỏa thuận mức bồi thường với nhau sao cho hợp tình, hợp lý đặc biệt tránh làm tổn hại đến tinh thần của các cháu”, luật sư Luận chia sẻ. 

Chia sẻ thêm về việc các gia đình cần làm các thủ tục gì để có thể nhận lại được con đẻ của mình, các luật sư cho biết, áp dụng vào Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự, trong trường hợp này các gia đình sẽ làm đơn yêu cầu Tòa án xác định lại cha, mẹ cho con theo quy định của luật. Khi Tòa án xác định đúng là nhầm lẫn như thế thì trên cơ sở bản án của tòa, cha, mẹ cầm bản án đó tới cơ quan tư pháp để đăng ký lại giấy khai sinh cho các cháu,...

“Trong trường hợp này chuyện nhầm lẫn đã xảy ra, không thể thay đổi được do vậy để giải quyết việc này, khi mà đứa trẻ đã sống với bố mẹ nuôi 6 năm rồi đương nhiên sẽ có nhiều tình cảm với nhau nói theo luật thì làm theo hướng đó, nhưng ở trường hợp này các bên vẫn làm thủ tục xác định lại cha, mẹ cho con và ngược lại.

Đặc biệt, các bên nên hòa giải theo hướng mang tính chất hàn gắn hơn, coi như qua sự nhầm lẫn hai đứa trẻ sẽ có thêm người bố, người mẹ mới, như vậy sẽ có thể tốt hơn cho cả hai bên gia đình”, luật sư Luận nhấn mạnh./.

Đọc thêm