Xác định quyền nuôi con

(PLO) -  Bạn Dương Thùy Trang (Quảng Ngãi) hỏi: Con gái tôi được sinh ra khi không được ba đứa bé và gia đình anh ta công nhận. Giờ con gái tôi được 6 tháng tuổi gia đình anh ta nói nếu muốn thì nhà anh ta sẽ chu cấp tiền nuôi.
Xác định quyền nuôi con

Gia đình tôi không chấp nhận vì anh trai của anh ta nói dù muốn hay không nhận tiền thì 3 năm nữa anh ta cũng sẽ ra tòa và dành quyền nuôi đứa trẻ, nhưng dù thế nào cũng không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Tôi đã làm giấy khai sinh cho con nhưng không có tên cha. Hiện tại tôi rất hoang mang không biết làm thế nào và sau 3 năm gia đình anh ta có giành được quyền nuôi con của tôi không?

sư Đỗ Trung Kiên (Văn phòng Luật sư Đỗ Trung Kiên và cộng sự - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) tư vấn: Hiện nay giữa hai người chưa từng xác lập quan hệ hôn nhân, trên giấy khai sinh của đứa bé cũng không có tên cha, vì vậy, người cha không có căn cứ pháp lý để chứng minh được đứa bé là con của mình. Tuy nhiên, nếu thông qua xét nghiệm AND người cha xác minh được quan hệ huyết thống với đứa bé, thì có thể yêu cầu Tòa án xác định đứa bé là con mình (theo khoản 2, Điều 101, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014) và có căn cứ để tranh chấp quyền nuôi dưỡng đứa bé.

Khoản 2, Điều 68, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”, do vậy, cho dù giữa hai người không có quan hệ hôn nhân nhưng có con chung thì quyền và nghĩa vụ đối với con của người cha vẫn được pháp luật hôn nhân và gia đình công nhận.

Theo đó, “cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” (khoản 1, Điều 71, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

Khi cha mẹ không đăng ký kết hôn và cũng không chung sống với nhau nữa, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con được xác định như khi cha mẹ ly hôn. Cụ thể, nếu con trên 3 tuổi thì áp dụng khoản 2, Điều 81, Luật hôn nhân và Gia đình 2014: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. 

Như vậy, để Tòa án giao con cho bạn trực tiếp nuôi thì bạn phải chứng minh được việc mình nuôi đứa bé sẽ đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt của con như sau: Thứ nhất, về mặt tình cảm, chứng minh rằng trong vòng 3 năm đứa bé đã sống chung với mẹ, có sự gắn bó chặt chẽ với mẹ mà chưa hề biết cha là ai, nên việc giao con cho người cha nuôi là không hợp lý. Thứ hai, về đạo đức, bạn cần chứng minh rằng mình có nhân phẩm tốt, có thể giáo dục tốt cho con. Thứ ba, về mặt tài chính, trong vòng 3 năm này, bạn cần cố gắng có chỗ ở ổn định và công việc tạo thu nhập đủ để đảm bảo điều kiện vật chất cho con.

Đọc thêm