Xây dựng định mức dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hoàn lương

(PLVN) - Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng và cơ sở xã hội.
Đề xuất nhiều dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hoàn lương (Ảnh minh họa)
Đề xuất nhiều dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hoàn lương (Ảnh minh họa)

Dự thảo thông tư quy định các định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng và cơ sở hỗ trợ xã hội, gồm: Định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ hỗ trợ các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ của người bán dâm hoàn lương thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và kết nối, chuyển gửi dịch vụ hỗ trợ khi người bán dâm có nhu cầu sử dụng các dịch vụ xã hội; Định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ tư vấn pháp lý, hỗ trợ tâm lý (cho nhóm hoặc cá nhân) người bán dâm; Định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp (chỗ ở, ăn, ngủ, tạm lánh) cho người bán dâm bị bạo lực, bạo hành.

Việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng và cơ sở hỗ trợ xã hội nêu trên nhằm từng bước chuẩn hóa hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp đối với người bán dâm. Đồng thời là căn cứ để các cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm ở cộng đồng…

Thực hiện quy định pháp luật, từ năm 2006 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 5 năm, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ xã hội giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng.

Các mô hình hỗ trợ can thiệp giảm tác hại, phòng, chống bạo lực và hỗ trợ thay đổi công việc cho người bán dâm thực hiện thí điểm hơn 10 năm qua (Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020 và Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020) bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Các chính sách, dịch vụ tại mô hình thí điểm này đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của người bán dâm, hỗ trợ họ trong việc lựa chọn, tìm kiếm cơ hội thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống.

Qua thực tế thí điểm cho thấy, người bán dâm, do tính chất, đặc trưng công việc, kỳ thị xã hội… nên việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội hiện có của nhóm đối tượng này là gần như không thể thực hiện.

Do vậy, cần thiết phải xây dựng các dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp với những đặc điểm xã hội đặc thù của nhóm đối tượng này.

Đọc thêm