Xây dựng Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai: “Buông lỏng quản lý” là như thế nào?

(PLO) - Theo quan điểm của các chuyên gia khi góp ý dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực đất đai, khái niệm “buông lỏng quản lý” là chưa rõ ràng và rất khó để xác định, trong khi đây lại là một trong các yếu tố để xác định hành vi vi phạm và điều này có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Xây dựng Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai: “Buông lỏng quản lý” là như thế nào?

Khung xử phạt quá rộng có thể tạo ra phân biệt đối xử

Trong văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội do VCCI đại diện đã góp ý một số quy định tại Dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai do có khung xử phạt quá rộng, giữa mức sàn và mức trần của khung có sự chênh nhau rất lớn (có khung mức trần cao hơn 3 lần mức sàn).

Điều này có thể tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng vi phạm trong cùng khung xử phạt khi cùng nhóm hành vi vi phạm nhưng chủ thể này bị phạt ở mức thấp trong khi chủ thể khác lại bị phạt ở mức cao. Quy định như thế vô hình trung cũng trao quá nhiều quyền cho cán bộ thực thi trong quyết định mức phạt.

Vì vậy, để đảm bảo tính công bằng và minh bạch, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị rà soát toàn bộ Dự thảo và thu hẹp các khung xử phạt có khoảng cách quá rộng, đặc biệt tại các quy định: điểm e khoản 3 Điều 10 (khung xử phạt là từ 80 triệu đồng đến 200 triệu đồng; 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng); điểm b, c, d khoản 2, d khoản 3 Điều 13 (khung xử phạt từ 30 triệu đồng đến 90 triệu đồng; từ 90 triệu đồng đến 180 triệu đồng; từ 180 triệu đồng đến 500 triệu đồng; từ 80 triệu đồng đến 200 triệu đồng); điểm đ khoản 2 Điều 15;  điểm đ khoản 1 Điều 16; điểm d khoản 3 Điều 28 …

Cũng liên quan đến quy định khung xử phạt, về hành vi sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm c và d khoản 1 Điều 57 của Luật Đất đai (Điều 11), trong Dự thảo cũng đang có thiết kế không phù hợp. Khoản 1, 2 Điều 11 Dự thảo quy định về các hành vi chuyển đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp nhưng có phân biệt là rừng trồng và rừng tự nhiên, trong đó hành vi chuyển từ rừng tự nhiên sẽ chịu khung xử phạt cao hơn.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 11 Dự thảo quy định về hành vi chuyển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp và không phân biệt chuyển từ rừng tự nhiên hay rừng trồng. Có nghĩa, dù bất kể nguồn gốc rừng như thế nào, miễn là chuyển sang đất phi nông nghiệp thì có cùng chung khung xử phạt. 

Rõ ràng, việc thiết kế quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo dường như chưa hợp lý, bởi, xét bản chất, chuyển từ rừng tự nhiên sang mục đích khác có tính chất nguy hiểm hơn là rừng trồng. Chính vì lẽ đó, khoản 1 và khoản 2 đã xác định hành vi dựa vào nguồn gốc rừng bị chuyển mục đích sử dụng và xác định mức xử phạt tương ứng.

Việc khoản 3 cũng quy định về chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng lại không xác định nguồn gốc rừng chuyển sẽ không xác định được khung xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm. Hơn nữa, quy định này cũng khiến cho các quy định tại Điều 11 thiếu nhất quán trong xác định hành vi vi phạm và mức xử phạt.

“Buông lỏng quản lý” là gì?

Điều 15 Dự thảo quy định về hành vi lấn, chiếm đất và để bị lấn, bị chiếm đất, theo đó, tại khoản 5 Điều 15 Dự thảo thì các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất để quản lý, sử dụng mà buông lỏng quản lý để bị lấn, bị chiếm đất thì sẽ bị mức xử phạt bằng 50% mức xử phạt của các hành vi quy định từ khoản 1-4 Điều 15.

Theo các chuyên gia pháp luật, khái niệm “buông lỏng quản lý” là chưa rõ ràng và rất khó để xác định, trong khi đây lại là một trong các yếu tố để xác định hành vi vi phạm. Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

“Xét bản chất, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất để quản lý, sử dụng nhưng để bị lấn, bị chiếm đất thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, không cần thiết phải xác định có “buông lỏng quản lý” hay không” – văn bản của VCCI nêu, và đơn vị này đề nghị bỏ cụm từ “buông lỏng quản lý” tại khoản 5 Điều 15 Dự thảo.

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 18 Dự thảo quy định xử phạt đối với “trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản giao dịch theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai”. VCCI cho rằng, xử phạt đối với trường hợp trên là chưa hợp lý, bởi vì đây là giao dịch dân sự, việc không thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng/văn bản giao dịch sẽ dẫn tới hậu quả là giao dịch này có thể bị tuyên là vô hiệu.

Như vậy, hậu quả trong trường hợp này các chủ thể chịu trách nhiệm trực tiếp là các bên trong giao dịch, về phía Nhà nước, chịu tác động là rất thấp. Vì vậy, xử phạt hành chính đối với hành vi này là chưa phù hợp về bản chất xử lý vi phạm hành chính và là sự can thiệp vào mối quan hệ do pháp luật dân sự điều chỉnh.

Đọc thêm