Xây hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho tự chủ đại học

(PLO) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 19/11, trong đó, nội dung về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu và cử tri, với những sửa đổi khá chi tiết so với quy định hiện hành.
Sau 2 năm thực hiện tự chủ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhảy vọt trên bảng xếp hạng các trường đại học. (Ảnh minh họa)
Sau 2 năm thực hiện tự chủ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhảy vọt trên bảng xếp hạng các trường đại học. (Ảnh minh họa)

Xác định rõ quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình

Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua, Điều 32 được sửa đổi, bổ sung khá nhiều với quy định “Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH”, theo đó, cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở GDĐH.

Khoản 2 Điều 32 nêu rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục: “a) Đã thành lập hội đồng trường; đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định cơ sở GDĐH; b) Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, chính sách đảm bảo chất lượng với các tiêu chuẩn chất lượng không thấp hơn các tiêu chuẩn do Nhà nước quy định, các quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác;  c)Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở GDĐH; d) Công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật”.

Điều luật này cũng xác định rõ các nội dung về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục. Trong hoạt động chuyên môn, quyền tự chủ bao gồm: ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật (khoản 3). Trong tổ chức và nhân sự, quyền tự chủ bao gồm: ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động; danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với giảng viên, chuyên viên và người lao động, quyết định nhân sự quản trị quản lý trong nhà trường phù hợp với quy định của pháp luật (khoản 4).

Khoản 5 điều này nêu, quyền tự chủ trong tài chính và tài sản bao gồm: ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về các nguồn thu, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, tài sản; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ của trường.

Cũng trong Điều 32, khoản 6 quy định trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên liên quan. Nội dung giải trình bao gồm: giải trình về việc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, giải trình về các quy định và việc thực hiện các quy định, các hoạt động của trường, giải trình về mức lương, thưởng và các quyền lợi khác của các chức danh lãnh đạo, quản lý trong trường, trong hội nghị cán bộ viên chức trường, giải trình về các hoạt động của cơ sở GDĐH trước cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, kiểm tra… Cơ sở giáo dục phải công khai báo cáo hàng năm về các chỉ số kết quả hoạt động của cơ sở GDĐH, công khai trung thực báo cáo tài chính hàng năm và các nội dung khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo…  Chính phủ được giao quy định chi tiết về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH.

Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý 

Ba năm qua, từ sau khi Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập ban hành cuối năm 2014 nhằm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, có 23 trường ĐH được tự chủ. Tại Tọa đàm “Tự chủ đại học – nhìn từ chính sách, pháp luật” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức cuối tuần qua, PGS. TS Lê Minh Thắng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội -  cho hay, quá trình thực hiện tự chủ ĐH đã tác động tích đến sự phát triển của nhà trường với nhiều đổi mới trong việc thay đổi cơ cấu tổ chức và phương pháp quản trị nhà trường, giảm các đơn vị đầu mối, mô hình tổ chức phù hợp với tiến trình tự chủ và tương đối tiếp cận với các trường ĐH trên thế giới. Nhà trường tạo được bước nhảy vọt thứ hạng trong bảng xếp hạng danh tiếng trên giới, thu hút được nhiều cán bộ giỏi làm việc tại trường, số lượng tuyển sinh cao và chất lượng tuyển sinh cũng nằm trong top những trường ĐH cao nhất cả nước.

Tuy nhiên, một trong vướng mắc lớn đó là hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước chưa được đồng bộ. Ví dụ như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Viên chức… chưa phù hợp với nội dung Chính phủ cho phép trường tự chủ, nên một số nội dung trường được phép tự chủ nhưng trên thực tế không thực hiện được.  TS. Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – cho rằng, để các trường đại học tự chủ một cách thực sự, tự chủ một cách mạnh mẽ, sau khi Quốc hội thông qua Luật, Chính phủ cần đề xuất để sửa đổi một số luật khác. 

PGS. TS Đặng Quang Việt - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo – khẳng định, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật GDĐH không có nội dung nào bỏ rơi các trường công lập tự chủ, chỉ là cách thức phân bổ về sau này, sẽ có cơ chế đặt hàng để các trường phải cạnh tranh nhau, kể cả công lập và ngoài công lập đều phải thực hiện cơ chế đó. Tự chủ không có nghĩa là làm gì thì làm, tự chủ phải theo khuôn khổ của pháp luật, theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ chuyên ngành, phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra của Bộ, quản lý của Nhà nước. Ông Phạm Tất Thắng bổ sung, tự chủ ở đây là đổi mới cơ chế, phương thức phân bổ ngân sách, chứ tự chủ ở đây không phải tự lo được kinh phí, vì giáo dục vẫn là lĩnh vực đặc thù, nên việc đầu tư của Nhà nước vẫn là quan trọng. Ví dụ như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường kỹ thuật khác cần phải có những phòng thí nghiệm đầu tư hàng triệu đô, nếu chỉ trông chờ vào học phí thì không thể đủ để trang trải và đòi có chất lượng cao được. Những vấn đề này cần được Nhà nước giao nhiệm vụ. Hoặc vấn đề đào tạo từ xa, Nhà nước cần thì Nhà nước phải đặt hàng và giao nhiệm vụ. Cơ chế tự chủ gắn với kinh phí, thúc đẩy các cơ sở GDĐH phải năng động hơn, cạnh tranh một cách bình đẳng, dựa vào năng lực thực sự của cơ sở đó. 

Đọc thêm