Xin nghỉ hưu trước 2018 có lợi không?

Nắm được thông tin từ năm 2018 trở đi, cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối với người lao động (NLĐ) có sự thay đổi theo chiều hướng tăng số năm điều kiện, gần đây nhiều NLĐ đến tuổi nghỉ hưu đi giám định y khoa để nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, việc nghỉ hưu sớm trước ngày 1/1/2018 có lợi hay không? Những đối tượng nào được hưởng?
Người lao động thực hiện giám định sức khỏe để hoàn thiện thủ tục xin nghỉ hưu
Người lao động thực hiện giám định sức khỏe để hoàn thiện thủ tục xin nghỉ hưu

“Né”quy định

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014, NLĐ về hưu trước năm 2018 sẽ được tính lương hưu theo bình quân 5 năm cuối, do vậy mức lương sẽ cao hơn so với về hưu giai đoạn từ sau 1/1/2018. Cụ thể, NLĐ về hưu trước 1/1/2018, đồng thời đáp ứng các điều kiện là tham gia BHXH 15 năm, đủ điều kiện về hưu sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm một năm thì được tính thêm 2% với nam và 3% với nữ. Mức hưởng tối đa bằng 75% tháng đóng BHXH.

Nắm bắt quy định trên, thời gian qua đã có không ít NLĐ đến tuổi hưu trí đang làm tại các cơ quan sự nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp đã có tâm lý muốn giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động để đủ điều kiện nghỉ hưu trước năm 2018, nhằm hưởng tỷ lệ phần trăm lương hưu cao hơn.

Đơn cử, tại Chi cục Thuế Đan Phượng, Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi có thông tin về việc nghỉ hưu sớm sẽ được lợi hơn là về hưu sau ngày 1/1/2018 đăng tải trên mạng, đã có một số cán bộ ở độ tuổi sắp nghỉ hưu, đóng bảo hiểm được trên 20 năm, viết đơn xin nghỉ hưu sớm.

Theo ông Phạm Văn Bền - một trong nhiều trường hợp ở Chi cục Thuế huyện Đan Phượng viết đơn xin nghỉ hưu sớm cho biết: Năm nay ông 58 tuổi, để nghỉ hưu theo quy định thì ông còn 2 năm nữa. Tuy nhiên, do ông đã đóng BHXH được hơn 30 năm, thời gian gần đây sức khỏe có dấu hiệu đi xuống, nên ông muốn nghỉ hưu sớm.

Đặc biệt, khi biết thông tin nếu về hưu trước 1/1/2018 sẽ có lợi hơn, trường hợp của ông sẽ không bị trừ % vì về hưu trước tuổi, nên ngay từ cuối năm 2016 ông Bền đã gấp rút viết đơn xin nghỉ hưu. Việc xin về hưu của ông Bền cũng như một số người khác trong cơ quan là do muốn “né” quy định từ ngày 1/1/2018 sẽ tăng số năm đóng BHXH…

Tương tự, chị Nguyễn Thị B - công nhân Nhà máy Thuốc lá Thăng Long đã có hơn 20 năm làm việc, lương cao hơn so với nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác, song do liên tục phải làm trong môi trường độc hại, tiếng máy ồn ào, mùi thuốc lá… nên tình trạng sức khỏe của chị ngày càng giảm. Nếu đợi 3 năm nữa đến tuổi nghỉ hưu mới về thì sẽ phải theo quy định mới, như vậy sẽ không được hưởng 75%, mà sẽ bị trừ đầu trừ đuôi… nên chị xin về sớm.

Cần cân nhắc kỹ?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) Điều Bá Được cho biết: Về quy định cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu từ 1-1-2018 trở đi theo Luật BHXH 2014 có tác động đến cả lao động nam và lao động nữ theo hướng quy định tăng dần số năm đóng BHXH từ đủ 15 năm đến đủ 20 năm để đạt tỷ lệ 45% và tăng số năm đóng BHXH tương ứng để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa (75%) đối với lao động nam từ đủ 30 năm lên đủ 35 năm, đối với lao động nữ từ đủ 25 năm lên đủ 30 năm;

Đồng thời quy định độ tuổi nghỉ hưu sớm chặt chẽ hơn theo hướng từ năm 2016 mỗi năm thêm 1 tuổi cho đến khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mới đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, quy định tăng tỷ lệ suy giảm khả năng năng lao động từ 61% lên 81% đối với lao động nam đủ 50 tuổi, lao động nữ đủ 45 tuổi nếu có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, quy định tăng tỷ lệ giảm trừ đối với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% đối với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi (nghĩa là nếu nghỉ sớm trước 5 tuổi thì phải trừ tỷ lệ hưởng lương hưu là 10%).

Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng BHXH thêm 1 năm thì tỷ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%. Chưa kể, từ năm 2018, mức đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở tổng thu nhập của NLĐ nên khi tính lương hưu thì có thể lương hưu cao hơn. Tỷ lệ phần trăm lương hưu sẽ thấp khi nghỉ hưu sớm và càng thấp hơn nếu thời gian đóng BHXH không nhiều. Chẳng hạn, lao động nam đủ điều kiện nghỉ hưu năm 2017 do suy giảm sức khỏe (nam 52 tuổi, suy giảm sức khỏe 61%), có thời gian đóng BHXH 20 năm (mức thấp nhất đủ điều kiện hưởng lương hưu) thì tỷ lệ phần trăm lương hưu chỉ là 39.

Do lương hưu là chế độ NLĐ được hưởng lâu dài, có khi đến hàng chục năm, nếu mức lương hưu khi bắt đầu nghỉ hưu thấp thì sẽ ảnh hưởng lâu dài. Vì vậy, mỗi người khác nhau về tuổi đời, thời gian đóng BHXH, mức lương đóng BHXH, điều kiện làm việc, thời gian hưởng lương hưu, nên không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi. Theo đó, mỗi người căn cứ các quy định trên để quyết định việc nên hay không nghỉ hưu sớm trước thời điểm 1/1/2018, nếu không, chính NLĐ sẽ bị thiệt - ông Điều Bá Được cảnh báo.

Khoản 3, Điều 21 Luật BHXH năm 2014 quy định, trường hợp NLĐ chưa đủ tuổi về hưu, nhưng đã đủ năm đóng BHXH mà muốn về hưu sớm thì phải có giấy chứng nhận giám định y khoa xác nhận mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mới được giải quyết chế độ hưu.

Đọc thêm