Xử lý ra sao với người vợ khai tử chồng khi chồng vẫn đang sống khỏe mạnh?

(PLVN) - Theo các luật sư, người vợ có thể bị xử lý hành chính, buộc bồi thường thiệt hại khi khai tử người chồng còn sống; cán bộ, công chức liên quan cũng phải chịu trách nhiệm trước việc làm tắc trách, khi làm giấy chứng tử.
Xử lý ra sao với người vợ khai tử chồng khi chồng vẫn đang sống khỏe mạnh?

Mới đây, trên địa bàn xã Ea Kênh (H.Krông Pắk, Đắk Lắk) xuất hiện vụ việc bà H’Điêt Ayun ‘khai tử’ chồng trong khi người chồng là ông Y Đuel Niê vẫn còn sống khỏe mạnh. Do tin tưởng bà Ayun, cán bộ tư pháp đã làm giấy chứng tử đối với ông Y Đuel Niê mà không đến địa phương kiểm tra, xác minh thực tế. Sau khi ‘khai tử’ chồng, bà H”Điêt Ayun đã dùng giấy chứng tử được cấp để làm giao dịch bán đi lô rẫy hơn 2 ha của gia đình.

Xử lý hành chính đối với người vợ

Theo luật sư (LS) Nguyễn Châu Hoan, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, trong vụ việc trên, bà H’Điêt Ayun đã có hành vi gian dối trong việc ‘khai tử’ chồng mình.

Tuy nhiên, hành vi trên vẫn chưa phạm vào tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác nên người vợ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ có thể bị xử lý hành chính như phạt tiền. Ngoài ra, căn cứ vào bộ Luật dân sự, bà H’Điêt Ayun cũng sẽ bị hủy giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã thực hiện đối với lô rẫy 2 ha đã thực hiện.

Cũng theo LS Hoan, cán bộ cấp giấy chứng tử đã chủ quan, chỉ căn cứ vào đơn khai báo của người vợ mà thiếu bước kiểm tra xác minh thực tế.

“Nếu những người liên quan là công chức xã, phường thì họ sẽ phải buộc kiểm điểm theo Luật cán bộ, công chức. Đồng thời, căn cứ vào Luật cán bộ, công chức, tùy vào mức độ và hành vi vi phạm, những người này có thể bị xử lí như khiển trách, cảnh cáo, cách chức,… và cao nhất là buộc thôi việc”, luật sư Hoan cho biết.

LS Trần Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) bổ sung ý kiến là trong vụ việc trên, cán bộ, công chức đã phạm vào các hành vi nghiêm cấm được quy định tại điều 12, Luật Hộ tịch năm 2014. Vì vậy, cán bộ, công chức ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý, kỷ luật theo Luật công chức, viên chức.

Giao dịch chuyển nhượng đất vô hiệu

Đối với mảnh đất bà H’Điêt Ayun đã bán, do hiện tại, ông Y Đuel Niê vẫn còn sống nên giao dịch bán đất mà vợ ông thực hiện sẽ không có hiệu lực.

“Vì giao dịch chuyển nhượng vô hiệu nên giao dịch mua bán lô rẫy 2 ha giữa bà Ayun và người mua sẽ bị hủy. Hậu quả pháp lí là người chuyển nhượng phải trả lại tiền đồng thời người mua phải trả lại đất. Bên cạnh đó, người có lỗi (nếu có) cũng sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu có theo quy định của bộ Luật dân sự năm 2015.”, LS Hoan phân tích.

Còn theo LS Nữ, do mảnh đất của gia đình đã bán cho người khác khi chưa có sự đồng ý của người chồng nên ông Y Đuel Niê có thể làm đơn khởi kiện gửi tòa án huyện nơi cư trú yêu cầu hủy hợp đồng mua bán đất để bảo vệ quyền lợi của mình, rằng người vợ đã cố tình "khai tử" ông để thực hiện giao dịch trái pháp luật.

Đọc thêm