Xử lý tài sản bất minh như thế nào?

(PLO) -Lần thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự luật Phòng chống tham nhũng và vẫn còn những ý kiến khác nhau về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Hình minh họa
Hình minh họa

Tài sản thuộc loại này, nói gọn và rõ nghĩa là “bất minh”, bởi bất minh thì chủ sở hữu của nó là cán bộ, công chức mới không giải trình một cách hợp lý được. Chủ tịch Quốc hội nêu thực trạng: “Trong thực tiễn khi xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, rõ ràng có một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc. Nhà nước cũng chưa có cơ sở nào để xử lý”.

Cái thực trạng đáng phải quan tâm là “cán bộ có tài sản giá trị rất lớn” và không giải trình được mà Nhà nước chưa có cơ sở nào để xử lý, vì vậy, luật phải tạo ra cơ sở đó để Nhà nước xử lý. Luật đó phải có tính khả thi cao và phù hợp với bối cảnh xã hội Việt Nam.

Hai phương án được đưa ra là: 1. Thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án, 2. Thu thuế thu nhập cá nhân. Cả hai phương án này đều có những cơ sở, thuận lợi và khó khăn khi thực hiện, vì thế, vẫn chưa có một quyết định chính thức chấp nhận phương án nào.

Do bản chất của vấn đề là đụng đến tài sản - một lĩnh vực mà nhiều người tìm mọi cách để có nó và sẽ “cố thủ” đến cùng để bảo vệ tài sản dù đó là bất minh, thực hiện bằng chiếm đoạt đi chăng nữa nên dù phương án nào thì cũng phải sử dụng đến biện pháp mạnh, quyết liệt và có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tính khả thi là ở chỗ này chứ không phải sự “tiên liệu” khó khăn sẽ xảy ra khi thi hành.

Vấn đề càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn khi sở hữu tài sản là đích đến của tham nhũng mà xử lý tài sản không được thì cuộc chiến chống tham nhũng trở nên vô ích. Mặt khác, hệ lụy của nó gây ra với xã hội là rất lớn, cả về vật chất và tinh thần, bất công và sự phản kháng khi khoảng cách giàu - nghèo bị nới rộng, sự phân hóa các tầng lớp xã hội bắt đầu.

Nhìn hiện tượng này một cách đơn giản thì khi dân chúng chứng kiến những biệt phủ lộng lẫy, xe hơi loại sang, con cháu du học, đời sống xa hoa,... của một số cán bộ, công chức nhà nước thì mầm bất bình đã nhú ở trong họ. Vì thế, chủ trương huy động vàng, tiền trong dân sẽ không ai tỏ ra mặn mà cả, cho dù đồng tiền ấy phục vụ vào mục đích tốt đẹp là xây dựng đất nước. Chính những cán bộ sở hữu tài sản bất minh này là những người đầu tiên chống lại lời kêu gọi “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm để kiến quốc từ Chính phủ.

Tài sản bất minh phải xử lý và thu hồi như pháp luật đã quy định, tiêu thụ một cái xe máy ăn cắp cũng bị đi tù, huống hồ là việc nghiêm trọng như thế này!

Đọc thêm