Xử phạt mạnh tay đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán

(PLO) - Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định  quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, mang tính răn đe nghiêm khắc đối với các công ty chứng khoán
 
Xử phạt mạnh tay đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán

Lỗi vi phạm phổ biến của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ bị xử phạt là do không tuân thủ các quy định về quản trị, điều hành công ty; không đảm bảo cơ cấu nhân sự tại bộ phận kiểm soát nội bộ đáp ứng điều kiện theo quy định; bố trí một số cán bộ, nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán…

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền hoặc tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ trên 03 tháng đến 24 tháng.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng.

Ba hình thức xử phạt bổ sung bao gồm:

- Đình chỉ có thời hạn hoạt động niêm yết chứng khoán, hoạt động đăng ký giao dịch chứng khoán; đình chỉ có thời hạn đợt chào mua công khai; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; đình chỉ có thời hạn hoạt động chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; đình chỉ có thời hạn hoạt động văn phòng đại diện; đình chỉ có thời hạn hoạt động lưu ký chứng khoán hoặc đình chỉ có thời hạn các hoạt động khác được ghi trong quyết định xử phạt;

- Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng;

- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Biện pháp khắc phục hậu quả gồm:

- Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành và hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán; buộc thu hồi số cổ phiếu phát hành thêm;

- Buộc hoàn trả chứng khoán, tiền thuộc sở hữu của khách hàng;

- Buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

- Buộc chào mua công khai theo phương án đã đăng ký;

- Buộc mua tiếp số cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ đóng còn lại sau khi thực hiện chào mua công khai;

- Buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm;

- Buộc chuyển nhượng chứng khoán để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định;

- Buộc thông qua Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi mục đích, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán;

- Buộc lưu ký, quản lý tách biệt tài sản, vốn, chứng khoán;

- Buộc giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2013 và thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán .

Đọc thêm