'Yêu cho roi cho vọt' - cẩn thận không...vào tù

(PLO) - Phụ huynh bức xúc khi trẻ tới lớp bị bạo hành, thậm chí quyết đi tới cùng sự việc vì nghĩ con là nạn nhân. Nhưng nhiều bậc cha mẹ không biết rằng đôi khi họ cũng đang bạo hành con mà không hay biết.  Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với luật sư Đoàn Thu Nga, Giám đốc văn phòng luật sư Lawpro về vấn đề này.
Luật sư Đoàn Thu Nga
Luật sư Đoàn Thu Nga

- Thưa luật sư, soi chiếu từ các quy định pháp luật, bà thấy quan điểm dạy con 'yêu cho roi cho vọt' có còn phù hợp?

- Trẻ em có hơn 20 nhóm quyền cơ bản như quyền được sống, chăm sóc yêu thương, khám chữa bệnh, có quốc tịch, phổ cập giáo dục. Người lớn phải có trách nhiệm “cập nhật” và tôn trọng, thực thi những quyền đó. Theo tôi, cha mẹ nên coi con là như những đối tác, bởi các em có tư duy và suy nghĩ của mình. Chúng ta thường bắt con suy nghĩ theo hướng tư duy ngược là mỗi lần đánh mắng, chửi các bậc phụ huynh lại mong con hiểu đó là yêu thương. Nhưng não bộ của trẻ là một bộ lọc, chúng tiếp nhận yêu thương ở người lớn là hỏi han, chia sẻ, đồng hành chứ không phải đòn roi.

Pháp luật quy định người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Pháp luật quy định rõ tội bạo hành trẻ em bao gồm cả bạo hành tinh thần như gây ức chế tâm lý, dùng ngôn ngữ đe dọa.

Năm 2016 luật bảo vệ gia đình chăm sóc trẻ em cũng quy định rõ thế nào là ngược đãi trẻ em; việc xâm phạm thân thể, đánh đập, bắt trẻ em mặc quần áo rách, bắt nhịn ăn, nhịn đi vệ sinh... Tổn thương tinh thần như lăng nhục, phỉ báng, dùng những hình ảnh, âm thanh con vật, đồ vật biết trẻ sợ nhưng vẫn đe dọa đều bị nghiêm cấm.

Việt Nam là thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở Châu Á kí bản công ước quyền trẻ em năm 1990 thể hiện tinh thần của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của trẻ em. Quyền trẻ em được quy định thông qua Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; luật hôn nhân gia đình; đặc biệt Bộ luật hình sự về tội Bạo hành trẻ em, cố ý gây thương tích nêu rõ sẽ bị xử lý hình sự. 

Về mặt tâm lý, nếu bị đánh mắng, trẻ em sẽ phản xạ, phản ứng và sau đó là phản kháng mạnh mẽ tư duy hành động áp đặt lên trẻ. Điều này không tạo được sự kính trọng của con đối với phụ huynh mà khiến tình yêu thương với con dần mất đi. Chúng ta không thể bắt con nói lời yêu thương với mình khi sử dụng đòn roi để dạy dỗ.

Vậy thực tiễn áp dụng pháp luật chống bạo hành trẻ em ở Việt Nam hiện nay ra sao?

Trên thực tế, việc thực hiện pháp luật bảo vệ trẻ em gặp nhiều khó khăn vì những vụ án bạo hành trẻ em phần lớn là người thân. Trước tiên là nạn nhân không dám nói và không dám tố cáo do lệ thuộc.

Hơn nữa, trẻ em không ý thức được mình là nạn nhân. Có trẻ không dám tố cáo sợ bị trả thù, hay e ngại quan niệm con dám tố cáo bố mẹ. Nhiều người quan niệm chuyện dạy bảo con là chuyện gia đình. Vì vậy chúng ta phải tuyên truyền nhiều hơn nữa từ tổ trưởng dân phố, UBMTTQ đến người dân việc tố cáo bạo hành trẻ em.

Mặt khác việc bạo hành trẻ em rất khó phát hiện nên tính thực thi còn hạn chế. Ngày nay chúng ta cần bỏ quan niệm thờ ơ coi đó là việc của người ta, ứng xử phù hợp. Ở đây cần đặt ra trách nhiệm cơ quan đoàn thể quản lý nhà nước, cộng đồng bảo vệ trẻ em.

Từng tham gia nhiều vụ án liên quan đến bạo hành trẻ em, bà có thể chia sẻ một số bài học trong cách dạy con?

Theo tôi, bố mẹ cần phải tôn trọng trẻ em, coi con như những đối tác vì các em có tư duy và suy nghĩ của mình. Trước đây lối sống văn hóa gia đình phần lớn chấp nhận việc sử dụng roi để dạy dỗ con cái, nhưng nay phương pháp này đã không còn phù hợp.

Bố mẹ hiện đại nên sử dụng phương pháp giáo dục hiện đại dạy con như “cây gậy và củ cà rốt”, “kỷ luật không nước mắt”, có nghĩa bố mẹ luôn phải đàm phán với các con. Chúng ta cần tôn trọng các con quyền tự do nêu ý kiến, tôi cho rằng phụ huynh đánh con là chưa thực sự hiểu rõ pháp luật. 

Nếu con cái vi phạm, bố mẹ cần phân định ranh giới như thế nào là không nghe lời, cãi là gì, dùng từ trống không ra sao, không học bài, không giúp đỡ bố mẹ....Từ đó phụ huynh đưa ra bảng kế hoạch hành vi này không được thưởng chẳng hạn. Chúng ta cũng phải dạy con rằng khi các cháu không làm tốt công việc thì bị “tước” đi quyền hoặc phần thưởng mà lẽ ra được hưởng. Phụ huynh đừng ngại ngần thể hiện tình cảm của mình với con vì như vậy sẽ động viên khích lệ tinh thần của trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh cần dạy con biết cách tự vệ, cho trẻ đi học lớp kĩ năng sống. Phụ huynh dạy con biết bố mẹ được chạm vào đâu trên cơ thể trẻ, đâu là hành động yêu thương, đâu là bạo lực.

Phương pháp dùng đòn roi liệu có còn hiệu quả, thưa bà?

Với những đứa trẻ thường xuyên bị đánh, chửi thì sẽ có xu hướng gồng lên chịu, dần dần chúng sẽ trở nên chai lì. Như vậy, trong mọi trường hợp đòn roi không mang lại hiệu quả. Ở xã hội hiện đại phụ huynh nên có gì nói nấy, đừng bắt con tư duy ngược nữa. Phụ huynh không nên cho rằng mình sinh ra con thì có quyền đánh chửi.

Nếu phụ huynh mắng chửi, la hét, dùng những ngôn từ không tích cực sẽ gây hiệu quả xấu, khiến trẻ tổn thương tâm lý.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện 

Đọc thêm