Sử dụng điện thoại khi đang sạc, nguy hiểm chết người

(PLVN) - Vừa sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) vừa sạc đang là một trong những thói quen khó bỏ của một số người dân Việt Nam hiện nay, tiềm ẩn rất nhiều nguy hại đến sức khỏe người dùng. Đã có không ít tai nạn đau lòng, thậm chí gây tử vong...
Sử dụng điện thoại trong lúc sạc là thói quen nguy hiểm chết người
Sử dụng điện thoại trong lúc sạc là thói quen nguy hiểm chết người

Trong thời buổi công nghệ hiện đại như hiện nay, nhiều người đã coi điện thoại là “vật bất ly thân”, sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Từ đó, không ít người có thói quen “ăn smartphone, ngủ smartphone” một cách thiếu khoa học, gây ra những hậu quả khó lường cho sức khỏe.

Giập nát tay khi sử dụng điện thoại đang sạc

Mới đây, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 13 tuổi, ở Nghệ An, bị chấn thương nặng do dùng điện thoại iPhone khi đang sạc pin thì bất ngờ điện thoại phát nổ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng giập nát bàn tay trái, vết thương mắt 2 bên, vết thương xuyên nhãn cầu có dị vật nội nhãn.

Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu, cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay trái. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Các bác sĩ cho biết, với những chấn thương giập nát do nổ, rất khó có thể bảo tồn được chi thể, hầu hết sẽ chỉ định cắt cụt.

Đây không phải là trường hợp hi hữu nạn nhân gặp họa khi sử dụng điện thoại đang sạc pin. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo sự nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại khi đang kết nối với nguồn điện, nhất là khi điện thoại ở chế độ pin yếu. Tuy nhiên, do chủ quan và nuông chiều thói quen của bản thân nên các tai nạn vẫn tiếp tục xảy ra, các nạn nhân phải trả một cái giá khá đắt.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, cho biết, ngày 13/1/2019, Bệnh viện này vừa tiếp nhận một thiếu niên 17 tuổi bị nát bàn tay vì điện thoại phát nổ khi bệnh nhân vừa sạc vừa dùng điện thoại.

Thời điểm nhập viện, toàn bộ bàn tay trái, ngón tay của bệnh nhân bị giập nát, các ngón tay bị đứt lìa. Do bệnh nhân tổn thương giập nát, không còn khả năng nối liền chi, khác với các vết thương cắt lìa là có thể vi phẫu nối lại được nên các bác sĩ chỉ có thể xử lý cắt lọc các phần giập nát.

Bệnh nhân sẽ bị mất các ngón tay vĩnh viễn. Được biết, trước đây Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã từng cấp cứu một trường hợp khác cũng gặp nạn khi vừa dùng điện thoại vừa sạc.

Các chuyên gia cho biết, nguy cơ tai nạn cho người sử dụng khi vừa nghe điện thoại vừa sạc pin có thể xảy ra với bất cứ ai. Những điện thoại cũ, các điểm tiếp xúc ở chỗ sạc không tốt, hoặc các bộ phận linh kiện không đảm bảo chất lượng, bị hỏng dễ gây ra hiện tượng này. Chưa kể, khi sạc pin điện thoại trong trường hợp không gian bị ẩm thì sẽ có tiếp xúc ở chỗ sạc có hơi nước. Điều này sẽ gây ra hiện tượng đánh lửa, phát nổ.

Làm thế nào để tránh nguy hiểm nảy sinh?

Mặc dù có rất nhiều vụ nổ liên quan đến thói quen vừa sử dụng điện thoại trong khi sạc, tuy nhiên nguyên nhân đều bắt nguồn từ những sai lầm của người sử dụng như sử dụng bộ sạc hay pin không tương thích với dòng điện thoại của mình.

Thậm chí, nếu sử dụng đúng pin hay bộ sạc của nhà sản xuất vấn đề vẫn có thể phát sinh khi chúng ta gặp phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Nếu phải sử dụng pin hay bộ sạc thay thế, hãy đảm bảo rằng chúng có trong danh sách được nhà sản xuất cho phép sử dụng để thay thế.

Lý giải về việc có hiện tượng khi nghe điện thoại trong trạng thái sạc sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu hơn, các bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, ĐTDĐ sử dụng sóng điện từ để chuyển tải giọng nói, tin nhắn… từ máy cầm tay tới trạm thu phát sóng. Do vậy, giống như các loại sóng điện từ khác, sóng ĐTDĐ cũng mang năng lượng có khả năng tác động lên cơ thể con người.

Bởi vậy, khi sử dụng ĐTDĐ thì không nên sử dụng kéo dài, không nên có thói quen để điện thoại gần những bộ phận nhạy cảm như não, tim... Đặc biệt, trong thời gian khoảng 10 giây đầu từ khi bật điện thoại nên để xa tai. Vì trong khoảng thời gian này, công suất ĐTDĐ lớn hơn nhiều ngưỡng an toàn cho phép sẽ gây hại cho sức khỏe.

Không để điện thoại trong ô tô cũng như bất cứ nơi nào có nhiệt độ cao vì nhiệt độ có thể phá hủy pin điện thoại. Không để điện thoại gần những bộ phận nhạy cảm như đầu, ngực khi ngủ. Hạn chế thói quen bỏ điện thoại vào túi quần, nhất là ở nam giới. Hãy sạc ở nơi thoáng mát và không bao phủ bất cứ thứ gì lên điện thoại khi sạc, nếu dùng phụ kiện ốp lưng, bao da, túi đựng... thì hãy tạm gỡ ra khi sạc.

Việc sử dụng điện thoại khi đang sạc pin, hoặc nghe điện thoại ở chế độ pin yếu cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến điện thoại của bạn phát nổ. Không nghe điện thoại quá lâu. Khi điện thoại bị phát nóng ra ngoài, cần lập tức ngắt cuộc gọi.

Hạn chế bật mạng di động (3G/4G) hoặc wifi liên tục để tránh gây bức xạ lớn khi sử dụng. Không cắm sạc khi điện thoại đang bị ướt vì có thể gây cháy chập hay rò rỉ điện. Nếu thấy pin có dấu hiệu phồng lên, máy nóng bất thường khi sạc thì cần mang máy đến thay pin tại các trung tâm bảo hành, các nhà cung cấp dịch vụ được hãng ủy quyền.

Kể cả khi không có những dấu hiệu bất thường về pin thì việc thay thế pin sau một thời gian dài sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất cũng là cách giảm tối đa nguy cơ phát nổ của điện thoại.

Cuối cùng, cách tốt nhất là không nên nói chuyện hay sử dụng điện thoại (nói chuyện, chơi game, chạy các chương trình nặng...) khi đang sạc để giảm thiểu nguy hiểm cho người sử dụng và cả những người xung quanh trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra.