Tim của người trưởng thành thường đập từ 60 đến 100 lần/phút. Nhịp tim thay đổi rất nhiều tuỳ từng người và tuỳ từng thời điểm đo khác nhau. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới nhịp tim. Nhịp tim thường nhanh lên sau bữa ăn; sau khi uống rượu, hút thuốc, uống cà phê, chè, nước ngọt có ga; trong và sau khi hoạt động thể lực, tập thể dục thể thao; trạng thái hồi hộp, lo sợ, cáu giận, hoặc phấn chấn; phụ nữ khi có kinh nguyệt... Nhịp tim thường chậm đi khi xa bữa ăn, khi đi ngủ, trạng thái bị ức chế, buồn rầu. Những người hoạt động thể lực nhiều hoặc vận động viên thể thao thường có nhịp tim chậm hơn người bình thường, nữ có nhịp tim nhanh hơn nam giới, người trẻ có nhịp tim nhanh hơn người già. Bệnh lý toàn thân (thiếu máu, mất nước) thường làm thay đổi nhịp tim... Để xác định xem có nhịp tim nhanh không, cần phải đếm nhịp tim đúng cách.
|
Ảnh minh họa. |
Cách thông thường nhất là bắt mạch ở cổ tay. Cần nghỉ ngơi hoàn toàn ít nhất 15 phút trước khi đếm mạch. Cần đếm mạch trọn một phút, nếu mạch không thật đều có thể phải đếm 2 phút liên tục, trong quá trình đếm mạch, người bệnh cần thở đều đặn như bình thường, vì nếu thở nhanh, nín hơi, đều ảnh hưởng tới nhịp tim. Nếu nghi ngờ nhịp tim nhanh, cần theo dõi mạch nhiều lần trong ngày và nhiều ngày liên tục.
Mỗi người chúng ta nên tự theo dõi nhịp tim của mình ở những thời điểm khác nhau. Nếu nhịp tim giảm xuống, thì có thể kết luận nhịp tim hơi nhanh chỉ là có tính nhất thời và duy trì chế độ ăn uống đa dạng, tăng cường hoạt động thể lực, không uống rượu, bia, hút thuốc lá và không uống quá nhiều chè, cà phê. Nếu nhịp tim luôn nhanh, nhất là khi đi kèm những biểu hiện bất thường khác như khó thở, đau thắt ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, run tay, bướu cổ, phù, tăng huyết áp... thì mạch nhanh là biểu hiện của bệnh khác, khi đó cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời./.
Bác sĩ Nguyễn Minh Châu