Tục xông đất ngày đầu năm mới

Với phong tục người Việt Nam, ngày mồng một Tết nguyên đán, ngày mở đầu một năm mới rất quan trọng. Mọi sự mở đầu phải hết sức tốt lành mới mong cả năm làm ăn thuận lợi, vui vẻ, hạnh phúc.
Với phong tục người Việt Nam, ngày mồng một Tết nguyên đán, ngày mở đầu một năm mới rất quan trọng. Mọi sự mở đầu phải hết sức tốt lành mới mong cả năm làm ăn thuận lợi, vui vẻ, hạnh phúc.
Mùa xuân trẩy hội.
Một trong những điều được quan tâm là người xông đất đầu năm cho gia đình. Ai sẽ là người đầu tiên đặt chân vào nhà mình mở đầu cho năm mới? Vì nếu cứ để tự nhiên, bình thường thì rất khó có được người như mong muốn nên rất nhiều gia đình đã chọn lựa trước nhờ người xông đất. Người được chọn xông đất đầu năm phải là người tốt bụng, nhân hậu, có cuộc sống gia đình sung túc, con cháu đề huề, được mọi người quý trọng và không bị tang chế hay tai nạn trong năm cũ. Lại còn phải tính tuổi xem có hợp với tuổi chủ nhà không. Kỵ những người có tuổi xung với tuổi chủ nhà, những người tính khí bủn xỉn, keo kiệt, gian giảo, vía dữ,… Người ta cho rằng không may những người này xông đất, là người đầu tiên đến nhà mình ngày đầu năm mới sẽ “dông” cả năm, làm ăn khó khăn, ốm đau, bệnh tật vv… Người được mời xông đất, hoặc tự nguyện xông đất, thường là vào buổi sáng mồng một Tết ăn mặc chỉnh tề, gương mặt rạng rỡ tươi vui, vừa bước tới cửa khi gia chủ ra đón đã cười nói vui vẻ, chúc cho gia đình năm mới mọi sự tốt lành, an khang thịnh vượng, “làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái”. Có những trường hợp không tìm chọn được người xông đất đầu năm, người ta phải “tự xông đất” nhà mình. Giả bộ đi ra khỏi nhà, sau phút Giao thừa mới trở về, coi như mình là người đầu tiên bước chân vào nhà mở đầu cho năm mới. Nhưng chuyện này cũng không đơn giản và đã xảy ra không ít chuyện bi hài. Có bà vợ thấy tuổi của ông chồng năm mới xem ra không tốt đẹp, khi ông chồng quá chén ở đâu đó, sau giao thừa mới về nhà đã bị vợ đóng cửa, không cho vào, phải ngủ vạ vật ở bên ngoài. Bà vợ chờ có người xông đất như ý mới mở cửa cho chồng vào. Trường hợp con cái đi chơi khuya quá giao thừa mới về cũng bị cấm kỵ vì sợ suốt năm sẽ “làm ăn như trẻ con”. Ngày nay, tuy cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng với số đông, bất kể ở nông thôn hay thành thị, tục chọn người xông đất đầu năm vẫn được coi trọng, mang yếu tố tâm linh sâu đậm. Tạm gác sang một bên yếu tố mê tín và sự “hên xui” mang lại do người xông đất, chỉ riêng việc tôn trọng, mong muốn có những người tốt bụng, có nhiều may mắn, hạnh phúc, tính tình vui vẻ, hòa đồng với mọi người đến nhà mình đầu tiên vào ngày đầu năm mới cũng là phong tục đẹp, mang đậm tính dân tộc và nhân văn, cần được tôn trọng.
Hải Trang

Đọc thêm