Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 10/7: Đồng USD tiếp tục giảm phiên cuối tuần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỷ giá USD hôm nay, 10/7, tiếp tục suy giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm đã xuống mức thấp nhất hơn 4 tháng qua và sự lo ngại về các biến thể COVID-19 đang lan rộng tại các quốc gia .
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng nay được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh ở mức 23.201 VND/USD, giảm 9 đồng so với phiên giao dịch sáng qua.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.975 VND/USD ở chiều mua vào và 23.847 đồng/USD bán ra.

Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại giao dịch lúc 8h sáng nay, cụ thể:

Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.870 đồng/USD (mua vào) - 23.100 đồng/USD (bán ra), giảm 10 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.905 đồng/USD (mua vào) – 23.105 đồng/USD (bán ra), giảm 5 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

Giá 1 USD đổi sang VND tại BIDV niêm yết theo tỷ giá: 22.905 đồng/USD (mua vào) - 23.105 đồng/USD (bán ra), giảm 10 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

Tại thị trường thế giới, tỷ giá USD trên thị trường thế giới giảm. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 92,1 điểm, giảm 0,34%. Hiện 1 Euro đổi 1,187 USD; 1 bảng Anh đổi 1,39 USD; 1 USD đổi 110,14 yên.

Tỷ giá USD đã giảm từ mức cao nhất trong 3 tháng trước do lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm đã xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua.

Bên cạnh đó, đồng USD giảm còn do lo ngại về sự lan rộng của các biến thể COVID-19. Theo Mazen Issa, Chiến lược gia FX cấp cao tại TD Securities, sự lan rộng toàn cầu của các biến thể COVID-19 mới có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm hồi phục 7 điểm cơ bản lên 1,36%, xoa dịu nỗi lo về việc tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Nhà đầu tư cảm thấy rất khó hiểu khi lợi suất liên tục suy giảm thời gian gần đây, có lúc chỉ còn 1,25% trong phiên 8/7. Khi nền kinh tế hồi phục từ hố sâu đại dịch, lẽ ra mặt bằng lợi suất phải tăng lên.

Trước đó, đồng đô la Mỹ đã đạt được mức tăng mạnh kể từ khi chạm đáy vào tháng 5, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, mức tăng này chỉ là một đợt tăng nhẹ và sẽ sớm giảm trở lại trong nửa cuối năm.

Điểm mấu chốt của đà giảm tập trung vào chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của FED vẫn được giữ nguyên, trong khi nền kinh tế châu Âu và toàn cầu tiếp tục phục hồi.

Chiến lược gia Rodrigo Catril của Ngân hàng National Australia Bank cho biết: “Sẽ có một làn gió thay đổi trên thị trường, khi lo ngại về lạm phát chuyển sang lo ngại về tăng trưởng”.