Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hệ tập trung còn thấp, nguồn cấp nước bị đe dọa ô nhiễm

Qua cuộc khảo sát và làm việc với chính quyền địa phương của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố cho thấy, đa số dòng sông đầu nguồn và hệ thống thủy lợi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho thành phố đang bị đầu độc ô nhiễm.

Nghị quyết số 51 HĐND thành phố về chương trình nước sạch nông thôn Hải Phòng giai đoạn 2003-2010 nêu rõ  mục tiêu đến năm 2010, tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90-95%. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết trên, mục tiêu 91-92% số người dân khu vực nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh không còn là vấn đề khó.

 

Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố giám sát trạm xử lý nước thải, cụm công nghiệp Vĩnh Niệm Ảnh: Trường Giang

Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố giám sát trạm xử lý nước thải, cụm công nghiệp Vĩnh Niệm

Ảnh: Trường Giang

Chuyển biến tích cực về nhận thức

 

Qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cho thấy, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng qua từng năm. Năm 2001, dưới 50% số người dân huyện Kiến Thụy có thói quen sử dụng nước hợp vệ sinh, nhưng năm 2010, tỷ lệ này đạt 91%. Tại những khu vực ngoại thành như Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên những năm trước, các xã không muốn xây dựng nhà máy nước mi ni, đến nay, lãnh đạo các địa phương đều đề nghị được triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước mi-ni. Những xã khó khăn, xa nguồn nước mặt như Đại Hợp (Kiến Thụy), Đại Bản (An Dương), Tam Hưng (Thủy Nguyên), lãnh đạo xã đều đề nghị sớm đầu tư nước máy phục vụ nhân dân.

 

Có thể khẳng định, kết quả thực hiện Nghị quyết 51 của HĐND thành phố tạo chuyển biến đáng kể về thói quen và tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước hợp vệ sinh. Cùng với hệ thống bể nước mưa, giếng khoan và giếng đào, hệ thống cấp nước tập trung phân bố rộng rãi trên địa bàn các huyện, tăng cả về số lượng và công suất, tỷ lệ người dân dùng nước từ các hệ cấp nước tập trung tăng lên. Năm 2007, số người dân dùng nước từ hệ cấp nước tập trung mới đạt tỷ lệ 25%, thậm chí có nơi, tỷ lệ khá thấp, như huyện Tiên Lãng mới có 200/38.085 hộ và 1 nhà trẻ được dùng nước hợp vệ sinh từ nhà máy nước mi ni. Đến hết năm 2010, toàn thành phố phấn đấu 40% số người dân nông thôn được cung cấp và sử dụng nước từ các nhà máy nước mi-ni. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh giữa các huyện có sự chênh lệch rõ rệt. Huyện Vĩnh Bảo có 13% số người dân dùng nước máy.

 

Hiện vấn đề mà các chủ đầu tư, lãnh đạo xã và huyện đều lo lắng là làm thế nào để duy trì hoạt động các hệ cấp nước tập trung vì tỷ lệ người dân dùng nước quá thấp, mức tiêu thụ không lớn. Một nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh thấp là do đầu tư ban đầu để lắp đặt đường ống, đồng hồ nước lớn… và giá thành mỗi m3 nước cao so với thu nhập của người dân nông thôn. Bình quân mỗi 1m3 nước 4.500 đồng, chi phí lắp đặt khoảng 1,5 triệu đồng/hộ. Từ xã tới huyện và Sở Nông nghiệp và PTNT cùng có chung đề nghị thành phố hỗ trợ chi phí ban đầu lắp đặt đường dẫn nước cho nhân dân ngoại thành.

 

Băn khoăn chất lượng nước sinh hoạt và nguồn cung cấp

 

Chất lượng nước là vấn đề các đại biểu tham gia đoàn giám sát quan tâm do nguồn nước mặt, nước mưa, nước giếng khoan có nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng trong khi tỷ lệ người dân dùng nước mưa, nước giếng khoan còn cao. Chất lượng các bể nước mưa, nước giếng hầu như không được kiểm định, đánh giá nhưng vẫn được coi là nguồn "nước hợp vệ sinh". Báo cáo của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn khẳng định chất lượng nước giếng khoan trên địa bàn huyện Kiến Thụy là tương đối tốt, nhưng như đánh giá trong báo cáo của UBND huyện lại chưa yên tâm về chất lượng nguồn nước. Nguyên nhân do một số xã, nguồn nước có biểu hiện nhiễm axen và tạp chất khác. Một số nơi, nước giếng khoan, giếng đào có màu sắc, mùi vị "không bình thường" nhưng vẫn được tính vào chỉ tiêu nước hợp vệ sinh.

 

Qua cuộc khảo sát và làm việc với chính quyền địa phương của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố cho thấy, đa số dòng sông đầu nguồn và hệ thống thủy lợi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho thành phố đang bị đầu độc ô nhiễm. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải bảo vệ nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng. Để bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, tháng 3-2004, UBND thành phố ban hành quy chế về quản lý, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Song, việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước và  quy chế của thành phố chưa nghiêm. Tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

 

Tình trạng lấn chiếm dòng lưu thông của nguồn nước diễn ra ở hầu hết địa phương. Một số hộ dân vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi hành lang bảo vệ kênh An Kim Hải, có trường hợp lấn lòng kênh tới 4m, gây khó khăn cho công tác giải tỏa mặt bằng, ảnh hưởng tới tâm lý người dân về sự nghiêm minh của pháp luật, chưa kể các trường hợp tự ý lấn chiếm, xây dựng công trình trên dòng chảy. Do đó, việc cắm mốc bảo vệ các công trình thủy lợi, nguồn cung cấp nước cho thành phố mặc dù đã được tiến hành nhưng chưa phát huy tác dụng do chưa giải tỏa được hành lang bảo vệ. Người dân và doanh nghiệp vô tư xả thải vào nguồn nước.

 

Cấp bách biện pháp bảo vệ nguồn cấp nước sạch

 

Để tỷ lệ người dân sử dụng nước từ các hệ cấp nước tập trung ngày càng cao, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên tuyền, vận động. Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm.

 

Năm 2010 cũng là năm cuối thực hiện chương trình nước sạch nông thôn giai đoạn 2003-2010, thành phố cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 51 và chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh theo tiêu chí mới của Bộ Y tế; bổ sung, xây dựng cơ chế phù hợp; tăng đầu tư hỗ trợ đối với các dự án công trình cấp nước sạch nông thôn như: bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng, đường điện, lắp đạt hệ thống đường ống trục chính, giảm chi phí ban đầu cho nhân dân. Đồng thời có chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư, huy động nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia chương trình nước sạch nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân ngoại thành.

 

Yêu cầu cấp bách hiện nay là tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn cung cấp nước sạch lâu dài như của sông Rế, Giá, sông Đa Độ và hệ thống công trình thủy lợi của thành phố. Mỗi địa phương cần làm hết trách nhiệm đối với việc bảo vệ nguồn nước tại địa bàn mình, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời thành phố rà soát, có quy hoạch và quy định trách nhiệm cụ thể để các ngành, địa phương và nhân dân cùng tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể giữ gìn bảo vệ nguồn nước vô giá của các con sông.

 

Khánh Hà

Đọc thêm