Tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ có xu hướng giảm

(PLO) - Ngày 6/9, tại Hà Nội Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo phố biến kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS 2015). GATS 2015 là Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá nhằm giám sát tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại các nước. Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia điều tra này (lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2010). 
Tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ có xu hướng giảm

Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% đến 22,5%. Trong đó, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 47,7% xuống 45,3%. Đối với sản phẩm thuốc lá điếu, tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ giảm từ 19,9% xuống 18,2%.

Tại khu vực thành thị, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 47,7% xuống còn 42,7%. Tỷ lệ hút thuốc lá điếu, tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở cả nam và nữ ở khu vực thành thị giảm từ 22% xuống còn 18,8%. Sự giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc ở nhóm nam giới tại khu vực thành thị cho thấy thành công bước đầu của công tác truyền thông về tác hại thuốc lá, về các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá sau 3 năm có hiệu lực.

Tuy nhiên, điều tra cũng cho thấy, mặc dù có xu hướng giảm nhưng nhưng với tỷ lệ 45,3% nam giới hút thuốc thì Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế giới. Bên cạnh đó, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá ở khu vực thành thị giảm thì ở khu vực nông thôn lại không có sự thay đổi.

Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tuy có giảm rõ rệt tại hầu hết các địa điểm công cộng như nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (34,3% xuống còn 19,4%), nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức cao (tại nhà là 62%, tại nơi làm việc là 42%, trong nhà hàng là 80%).

Điều tra GATS năm 2015 cũng cho thấy, sau khi điều chỉnh lạm phát, giá trung bình một bao thuốc 20 điếu có xu hướng giảm  (12.700 đồng/bao năm 2010 và 11. 819 đồng/bao năm 2015). Mặc dù đã  có những chuyển biến tích cực, nhưng theo lãnh đạo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, do thuốc lá vẫn là sản phẩm gây nghiện, lại được bày bán khắp nơi, mọi người đều dễ dàng tiếp cận; ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc nơi công cộng của nhiều người còn chưa tốt; người không hút thuốc chưa dám lên tiếng nhắc nhở hành vi hút thuốc không đúng nơi quy định; đặc biệt công tác thanh kiểm tra thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá còn chưa triệt để.

Vì vậy, trong thời gian tới, theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá cần phải được tăng cường hơn nữa để thực thi một cách hiệu quả hoạt động này.

Đọc thêm