UB giám sát tài chính quốc gia khó hoạt động vì thiếu pháp lý

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban (UB) Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC), để phát hiện sớm và ngăn ngừa rủi ro gây bất ổn định cho hệ thống, tránh tác động tiêu cực đến ổn định và tăng trưởng kinh tế, NFSC sẽ có các công cụ để giám sát và cảnh báo an toàn vĩ mô…

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban (UB) Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC), để phát hiện sớm và ngăn ngừa rủi ro gây bất ổn định cho hệ thống, tránh tác động tiêu cực đến ổn định và tăng trưởng kinh tế, NFSC sẽ có các công cụ để giám sát và cảnh báo an toàn vĩ mô…

Hôm qua, NFSC tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Được thành lập vào đúng thời điểm khó khăn chung của kinh tế trong nước cũng như thế giới và 5 năm hoạt động của NFSC nằm trọn trong chuỗi thời gian suy thoái toàn cầu và khủng hoảng tài chính thế giới, NFSC đã có nhiều tham mưu, tư vấn với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

NFSC cũng kịp thời có những báo cáo đột xuất để thông tin và tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải pháp xử lý những tình huống phát sinh như báo cáo về tình hình thanh khoản trên thị trường tiền tệ, tình hình tỷ giá và cung cầu ngoại tệ trên thị trường; Xây dựng báo cáo chuyên đề và đề xuất khuyến nghị chính sách cho Chính phủ…

Tại hội nghị này, Chủ tịch NFSC cho biết, một trong những khó khăn nhất hiện nay là NFSC ra đời và hoạt động trong bối cảnh Việt Nam chưa định dạng rõ mô hình hoạt động giám sát tài chính và khuôn khổ thế chế về hoạt động giám sát tài chính chưa hoàn thiện. Theo quy định hiện hành, các Bộ chuyên ngành được phân giao chức năng giám sát chuyên ngành về hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Tuy nhiên, hiện chưa có khuôn khổ pháp lý về cơ chế phối hợp hoạt động giám sát nên không có một cơ quan giám sát tài chính chuyên ngành nào có đầy đủ thông tin báo cáo về bức tranh toàn cảnh thị trường tài chính. Trong khi NFSC có điều kiện tiếp cận thông tin và theo dõi dòng tiền trên toàn thị trường tài chính bao gồm cả ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm nhưng cơ quan này lại không có đủ điều kiện pháp lý để thực thi một cách đầy đủ chức năng của một cơ quan giám sát.

Bởi vậy, lợi thế của NFSC không những không được phát huy mà NFSC cũng không có đủ điều kiện vật chất để thực hiện tối đa chức năng được giao là giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính. Đó cũng chính là lý do khách quan NFSC chưa triển khai được một số nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg như: giám sát điều kiện được cấp phép hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; giám sát việc thực hiện các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động giám sát của các cơ quan thanh tra – giám sát chuyên ngành.

NFSC còn gặp không ít khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các Bộ, ngành, tổ chức tài chính phục vụ cho công tác giám sát thị trường tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) gặp nhiều khó khăn. Hệ thống dữ liệu thông tin NFSC nhận từ các Bộ, ngành, các định chế tài chính còn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và chậm về thời gian, gây khó khăn cho công tác phân tích, đánh giá.

“Điều này dẫn đến hệ quả, mặc dù NFSC đã xây dựng các báo cáo giám sát với những nội dung có chất lượng tốt, song thời gian hoàn thành báo cáo còn kéo dài dẫn đến tình trạng một số kiến nghị được đề xuất chậm so với sự thay đổi của diễn biến kinh tế và sự biến động của thị trường tài chính…”, ông Ngoạn thừa nhận.

Thanh Thanh

Đọc thêm