Ukraine nêu nguyên nhân khiến phương Tây không gửi xe tăng, máy bay

Ukraine nêu nguyên nhân được cho là khiến các nước phương Tây không muốn gửi máy bay và xe tăng để Kiev đối phó với Nga trong cuộc chiến kéo dài gần 4 tháng qua.

Dàn lựu pháo Mỹ viện trợ cho Ukraine đối phó Nga (Ảnh minh họa: Quân đội Mỹ).

RT đưa tin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 17/6, cố vấn cấp cao của tổng thống Ukraine, ông Alexey Arestovich cho biết, phương Tây dường như đang hướng tới việc muốn khép lại cuộc chiến Kiev và Moscow thông qua giải pháp đàm phán. Theo ông, đây được cho là nguyên nhân mà phương Tây không muốn viện trợ cho Ukraine xe tăng và máy bay.

"Điều mà họ nói là khá rõ ràng. Họ không muốn Nga thất bại hoàn toàn. Họ muốn buộc Nga phải thương lượng để đạt được hòa bình", ông Arestovich nói.

Tuy nhiên, quan chức Ukraine cho rằng, kế hoạch của các lãnh đạo liên minh châu Âu EU nhằm khép lại cuộc xung đột thông qua đối thoại có thể sẽ bất thành.

"Ukraine sẽ giải phóng toàn bộ các vùng lãnh thổ bằng biện pháp quân sự hoặc ít nhất là đưa mọi thứ trở lại trước mốc 24/2 (ngày Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng)", ông Arestovich nhấn mạnh mục tiêu của Kiev.

Hiện thời, lực lượng Nga với ưu thế áp đảo về nhân sự và khí tài đang kiểm soát phần lớn Donbass. Tuy nhiên, ông Arestovich tin rằng, "bước ngoặt sẽ đến vào một ngày nào đó và lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi Ukraine như họ từng rút quân khỏi Kiev, Sumy và Chernigov". Quan chức này cho rằng, kịch bản trên có thể xảy ra khi quân đội Nga "nhận thấy các nỗ lực của họ là vô ích".

Trong tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nêu lý do các quốc gia phương Tây đã quyết định từ chối cung cấp xe tăng và máy bay cho Ukraine. Ông nói: "Đây là một thỏa thuận không chính thức, nhưng nó cũng gần như là quan điểm chính thức của các nước NATO".

"Chúng tôi giúp Ukraine tự vệ, nhưng chúng tôi không tham gia vào một cuộc chiến chống lại Nga", ông Macron nói.

Cho tới lúc này, những nước đã chuyển xe tăng cho Ukraine đều là các nước Đông Âu như Ba Lan, Séc, Slovakia, Slovenia. Các nước lớn ở EU hay Mỹ cho tới nay vẫn chưa chuyển cho Kiev loại khí tài hạng nặng này.

Hồi tháng 3, Mỹ cũng từng từ chối kế hoạch giúp chuyển các tiêm kích MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine, nhấn mạnh động thái này là bất khả thi và có thể sẽ khiến Nga - một cường quốc hạt nhân - coi là hành động đối đầu trực tiếp.

Hồi giữa tuần, Mỹ nói rằng, nhiều quốc gia NATO sắp không còn vũ khí để hỗ trợ cho Ukraine.

"Một số quốc gia đồng minh đã gửi đi tất cả những gì họ có. Họ đã bắt đầu bày tỏ lo ngại về việc bắt đầu cạn dần kho khí tài", Đại sứ của Washington tại NATO Julianne Smith cho biết.

Trước đó, Nga nhiều lần cảnh báo họ sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tới khi nào đạt được mục tiêu và các nỗ lực hỗ trợ Ukraine từ phương Tây sẽ không khiến cho Moscow bị ảnh hưởng.

Nga cũng tuyên bố sẽ coi lô vũ khí phương Tây viện trợ là mục tiêu hợp pháp của lực lượng vũ trang nước này, đồng thời cảnh báo nguy cơ những khí tài này có thể bị tuồn ra "chợ đen", hoặc lọt vào tay các nhóm tội phạm và điều này có thể gây tổn hại tới an ninh của châu Âu và cả thế giới.

Đọc thêm