Ứng phó với bệnh lùn sọc đen gây hại trên lúa chiêm- xuân: Bình tĩnh xử lý, không chủ quan

Ông Dương Đức Tùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT trả lời phỏng vấn của Báo Hải Phòng.

Cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện An Lão kiểm tra và hướng dẫn nông dân xã Quốc Tuấn nhận biết và cách phòng bệnh lùn sọc đen.

Ảnh: Trường Giang

- Bệnh lùn sọc đen gây hại trên lúa chiêm- xuân tại các tỉnh phía Bắc và tại Hải Phòng hiện nay diễn biến như thế nào, thưa ông?

 

- Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp- PTNT, đến ngày 13-3, đã phát hiện tại 15 tỉnh, thành phố phía Bắc và Nam Trung Bộ có biểu hiện triệu chứng bệnh lùn sọc đen gây hại trên lúa chiêm- xuân giai đoạn đẻ nhánh. Diện tích bị nhiễm bệnh này trên cả nước là 12.656 ha; trong đó có 524,95 ha nhiễm nặng với tỷ lệ bệnh hơn 20%. Trong đó, Thái Bình có diện tích bị nhiễm lên tới 12.450 ha, 183/185 xã thuộc 8/8 huyện phát hiện bệnh này.

 

Tại Hải Phòng, theo báo cáo ban đầu của Chi cục bảo vệ thực vật, hiện  có hơn 150 ha lúa chiêm - xuân có biểu hiện bệnh lùn sọc đen. Diện tích này hiện có tại 43 xã, phường thuộc 8 quận, huyện. Điều đáng lo ngại là sau khi lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, Hải Phòng có 4/9 mẫu lấy tại Trấn Dương (Vĩnh Bảo), Nam Hưng, Tiên Thắng (Tiên Lãng), Tân Viên (An Lão) có phản ứng dương tính với vi- rút lùn sọc đen. Bệnh cũng gây hại trên rất nhiều giống lúa như Thục Hưng, HT1, Bắc thơm số 7, Xi 23, 8865, BC 15, N46, VT 13, KD 18, P6, HT6…    

 

- Tác hại của bệnh như thế nào?

 

- Bệnh lùn sọc đen hại lúa hiện nay đặc biệt nguy hiểm. Bệnh khi gây hại đã thể hiện những triệu chứng điển hình thì không có thuốc cứu chữa để các nhánh đã nhiễm vi-rút trở lại bình thường. Cách duy nhất được khuyến cáo là hủy các cá thể này để tránh hậu họa do lan truyền. Hiện chưa có thuốc đặc trị. Nguyên tắc phòng bệnh là tiêu hủy triệt để nguồn bệnh, chăm sóc cho cây lúa sinh trưởng khỏe, bảo vệ cây lúa chống rầy xâm nhập và truyền bệnh, phòng bệnh phải mang tính cộng đồng. Bệnh lùn sọc đen có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vụ mùa năm 2009, Nghệ An là tỉnh đầu tiên của cả nước phát hiện hơn 7.000 ha nhiễm bệnh lùn sọc đen và hơn 5.000 ha mất trắng. Tại Hải Phòng, bệnh lùn sọc đen xuất hiện lần đầu trong vụ mùa 2009, diện tích bị nhiễm là 84,56 ha, mất trắng 15,1 ha. Bệnh lùn sọc đen lây lan rất nhanh, trên diện rộng. Trước biểu hiện phức tạp của bệnh này, ngay trước Tết Canh Dần, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước theo dõi, phát hiện kịp thời và khẩn trương dập dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen có thể gây hại trên lúa. UBND thành phố cũng có chỉ thị phòng trừ bệnh này. Ngày 16-3, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã có quyết định công bố dịch lùn sọc đen gây hại trên các tỉnh miền Bắc và Nam Trung Bộ.

 

Với diễn biến thời tiết như hiện nay cùng với mật độ rầy khá cao, khả năng vi- rút lùn sọc đen sẽ tiếp tục gây hại và phát tán diện rộng trên tất cả trà lúa, giống lúa. Nếu không có biện pháp quyết liệt thì nhiều diện tích vụ xuân 2010 coa khả năng sẽ mất trắng.

 

- Hải Phòng ứng phó như thế nào?

 

- Thành phố đang dồn lực cho công tác ứng phó bệnh lùn sọc đen gây hại trên lúa với quan điểm bình tĩnh xử lý, không hoang mang nhưng không được chủ quan. Điều khiến chúng ta yên tâm một phần là bệnh lùn sọc đen nếu phát hiện sớm, có biện pháp phòng trừ rầy triệt để, chăm sóc lúa theo đúng hướng dẫn thì lúa vẫn có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, đối với những diện tích lúa không còn khả năng phục hồi thì phải tìm cách nhổ bỏ sớm, triệt tiêu mầm bệnh bằng cách phun thuốc trừ rầy trên cơ sở khoanh vùng hợp lý. Hiện, các địa phương đang vào cuộc quyết liệt, đặt hiệu quả lên hàng đầu, tránh làm nửa vời. Việc xử lý để hạn chế, triệt tiêu nguồn bệnh phải dựa vào chính sức dân, nông dân phải hiểu được mức độ nguy hiểm và kiểm tra trên mảnh ruộng gieo cấy của mình với sự giúp đỡ tư vấncủa cán bộ kỹ thuật, cán bộ địa phương. Ngành Nông nghiệp - PTNT đang tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, ưu tiên cho các vùng trọng điểm với nguy cơ cao của bệnh lùn sọc đen, bám sát đồng ruộng, tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh, nhất là chu kỳ phát sinh của tập đoàn rầy, xử lý ngay khi phát hiện có rầy cũng như các đối tượng sâu bệnh hại khác. Sở sẽ xây dựng  thống nhất quy trình xử lý và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống; đang đề nghị thành phố thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, kinh phí cho chỉ đạo đồng bộ phòng, chống dịch để khi bệnh mới xuất hiện các địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn kịp thời loại bệnh mới nguy hại này…

 

- Xin cảm ơn ông!

 

Kim Oanh thực hiện

Đọc thêm