"Ứng phó" với bọ xít hút máu người

 Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật khuyến cáo người dân gặp bọ xít thì có thể giết thủ công bằng tay, nếu thấy trứng thì cho vào túi ni lông đốt hoặc đổ nước lã vào đem vứt đi, trứng bị đổ nước không thể nở được. Hoặc người dân có thể cho hết trứng, con vào chai, lọ gọi điện theo số máy 04.37565899 để Viện xử lý. Không nên phun bất cứ loại thuốc nào để diệt côn trùng.

Trước hiện tượng bọ xít hút máu người liên tiếp xuất hiện trên địa bàn thủ đô Hà Nội,không ít người dân hoang mang, băn khoăn về phương thúc phòng tránh và cách thức diệt loại vật gây hại này; đặc biệt, không may bị bọ xít đốt, họ phải làm gì?

Tăng nhanh số người bị bọ xít đốt

 Lliên tiếp những ngày gần đây, mỗi ngày Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nhận được hàng chục cuộc điện thoại của người dân phản ánh họ bị bọ xít đốt. Trong khi đó, các nhà khoa học cũng lo ngại mức độ lan tỏa của loại sinh vật gây hại này trong khu dân cư , nhất là vào thời điểm chúng đang sinh sản rất mạnh.

khoảng 6 - 7 ngày bọ xít cái đẻ một lần khoảng 14 - 30 quả trứng

Trao đổi với phóng viên, TS Trương Xuân Lam (Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) cho biết, mấy ngày nay ông rất bận vì hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày của các hộ dân “kêu” bị bọ xít đốt.

 Ông Lam và các cán bộ của Viện tỉ mỉ hướng dẫn cách phòng tránh, cách tiêu diệt bọ xít rồi đến từng nhà lấy mẫu vật. Hiện tại, người dân không thể chủ quan, lơ là vì nhiều khu vực ở Hà Nội đang xuất hiện loại bọ xít hút máu này như Ba Đình, Tù Liêm, Hoàng Mai, Đống Đa…

Thời điểm này, các nhà khoa học lo ngại vì nhận thấy bọ xít sinh sản nhiều, có thể đây là mua sinh sản của bọ xít. Tuy nhiên, để khẳng định có phải là mùa sinh sản không, cần phải có thời gian nghiên cứu thêm. Theo TS Lam, đặc tính sinh sản của loài bọ xít này là đẻ trứng rời rạc, số lần đẻ nhiều, khoảng 6 - 7 ngày đẻ một lần, mỗi lần đẻ từ khoảng 14 - 30 quả trứng; sau khoảng 15 - 17 ngày trứng sẽ nở. “Hôm kia tôi thu được 4 con bọ xít cái ở một nhà tại huyện Từ Liêm (đoạn Metro), mang về lập tức một số con đẻ trứng, chứng tỏ có khả năng đây là mùa sinh sản của chúng”, ông Lam nhận định.

Theo TS Lam, ổ bọ xít hút máu với số lượng 200 con thu được ở Từ Liêm vừa qua hiện đã đẻ gần 400 trứng, tỷ lệ trứng nở rất cao. Với thời gian trứng nở nhanh và tỷ lệ nở cao như vậy, TS Lam lo ngại mức độ lan tỏa của bọ xít hút máu trong các khu dân cư ở Hà Nội và việc thích nghi rất nhanh với môi trường sống và tập tính của con người của loài bọ xít này.

Được biết, hiên một nhóm nhà khoa học là các chuyên gia đến từ Viện ST&TNSV, Viện Công nghệ Sinh học (đều thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), Viện Thú y (Bộ NN&PTNT) và Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) đã chủ động tập hợp lại để tìm hiểu đề tài này. Bởi vì đặc điểm sinh thái học cũng như vai trò truyền bệnh của loài bọ xít này ở Việt Nam chưa được nghiên cứu, dù là sơ lược nhất. Việc phối hợp điều tra nghiên cứu đầy đủ, nhiều mặt về nhóm bọ xít hút máu ở Việt Nam nhằm tìm ra biện pháp chủ động phòng ngừa khi cần thiết.

Dọn dẹp nhà cửa phải đúng cách

Khi số người bị đốt và địa bàn phát hiện bọ xít đang có dấu hiệu tăng, TS Lam đặc biệt khuyến cáo người dân phải thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, các góc khuất, tối của nhà và đặc biệt là khe giường. Dù mùa đông hay hè cũng phơi đệm, quét khe giường thường xuyên. Bởi vì buổi tối, loài bọ xít này thường bay theo ánh đèn vào nhà; khi vào nhà nó bò chậm tìm chỗ tối, khuất kín để sống ổn định và có xu hướng tìm đến các khe giường ngủ để hút máu người.

Khi ngủ phát hiện bỏ xít cắn, phải chòi quét các khe giường truy tìm và xử lý theo hướng dẫn...

Tuy nhiên, theo Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thì thời gian qua, một số người dân vẫn chưa biết cách phòng tránh đúng cách. Dẫn chứng là trường hợp một gia đình có hai con nhỏ bị đốt, khẳng định thường xuyên lau dọn nhà nhưng vẫn bị đốt; sau khi nghe tư vấn của các cán bộ ở đây đã bắt được 2 con bọ xít ngay dưới khe giường.

 “Vệ sinh nhà cửa phải đúng cách, lấy chổi quét cẩn thận từng giát giường, khe dường, góc nhà rồi gom rác vào túi ni lông đem đốt. Nếu gặp bọ xít thì có thể giết thủ công bằng tay, nếu thấy trứng thì cho vào túi ni lông đốt hoặc đổ nước lã vào đem vứt đi, trứng bị đổ nước không thể nở được. Hoặc người dân có thể cho hết trứng, con vào chai, lọ gọi điện cho Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh theo số máy 04.37565899 để Viện xử lý. Không nên phun bất cứ loại thuốc nào để diệt côn trùng.” TS Lam hướng dẫn.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi bị loài bọ xít này cắn, nếu sưng quá to, nặng cần được đi khám bác sỹ, nếu nhẹ có thể bôi thuốc sát trùng, chống dị ứng nhưng không nên gãi để tránh vết cắn bị lở loét, nhiễm trùng./.

Thanh Quý

Đọc thêm