Ba năm rưỡi đã trô qua kể từ ngày đối tượng Nguyễn Hữu Trung (SN 1988, trú tại quận 12, TP.HCM) uống rượu say và can án giết người, các cơ quan tố tụng TP HCM vẫn lúng túng vì chưa thể xác định bị cáo có phải chịu sự trừng phạt của pháp luật hay được miễn trách nhiệm hình sự để đi “nghỉ mát” trong viện tâm thần theo diện chữa bệnh bắt buộc?
Vụ án xảy ra vào khoảng 22 giờ ngày 12/3/2009, trên đường đi làm về trong tình trạng ngà ngà say, Trung ghé qua hàng hủ tiếu định mua đem về. Nhưng vì thấy chủ quán bận nhiều khách, chưa kịp bán cho mình nên Trung gây sự, cãi lộn. Mua xong, đi qua một đoạn Trung bỗng “nghe loáng thoáng ai nói điều gì đó” sau lưng mình, hắn bèn quay lạiđập phá quán hủ tiếu.
Thấy thực khách chạy tán loạn, chỉ có mỗi anh Hiếu vẫn ngồi bình thản ăn và còn vuốt tóc, Trung sừng sộ hỏi: “Sao ông anh vuốt tóc?”. Khi câu hỏi chưa kết thúc, Trung đã giơ cây tầm vông lên đập vào bàn nơi anh Hiếu đang ngồi khiến anh này hoảng sợ và bỏ chạy. Được mọi người can ngăn, Trung bỏ cây gậy xuống đất. Nhưng ngay sau đó, hắn lại vác dao đuổi theo anh Hiếu và đâm vào cổ làm anh Hiếu ngã xuống, tử vong sau đó 3 ngày.
Suốt ba năm qua, Trung đã nhiều lần được đưa đi giám định tâm thần, kết quả mỗi nơi mỗi khác. Kết luận giám định tâm thần của Sở Y tế TP HCM xác định, Trung bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu, không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi một cách rõ ràng.
Với chứng bệnh này thì khi có rượu người bệnh sẽ đập phá và có hội chứng quên, giảm trí nhớ; có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân chứ chưa nói đến những người xung quanh. Tuy nhiên, Viện Pháp y tâm thần Trung ương phân viện phía Nam thì xác định Trung bị tâm thần nhưng vẫn nhận thức được nên đủ khả năng chịu trách nhiệm hình sự.
Chính vì các kết luận giám định tâm thần cho bị cáo không “khớp” nhau và thiếu rõ ràng, nên tháng tại phiên tòa bị hoãn mới đây vào ngày 13/9/2012 TAND TP HCM quyết định trưng cầu giám định lại tình trạng tâm thần cho bị cáo để xác định chính xác bị cáo có phải chịu trách nhiệm hình sự hay được đưa đi bắt buộc chữa bệnh.
Theo ý kiến của một số chuyên gia pháp lý, pháp luật của một số nước như Nga, Mỹ quy định, say rượu bệnh lý khi uống rượu (có thể rất ít) thậm chí chỉ cần ngửi mùi rượu là đã không thể nhận thức kiểm soát được hành vi cũng là một dạng bệnh tâm thần và người gây án không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên đối với pháp luật hình sự Việt Nam, gây án trong trạng thái say rượu lại được xác định là một tình tiết tăng nặng trong một số tội như Giết người, Cố ý gây thương tích…
Nếu bị cáo gây án khi say rượu thì dù bị hại là người có lỗi trước nhưng bị cáo cũng không được hưởng tình tiết “gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân”. Vì khi say rượu nghĩa là bị cáo đã tự đặt mình vào trạng thái không kiểm soát được hành vi, đã “bị kích động về tinh thần” trước khi có hành vi của bị hại tác động vào…
Tuy vậy, hiện pháp luật hình sự Việt Nam chưa có quy định, hướng dẫn đối với trường hợp bị can, bị cáo gây án do uống rượu làm bệnh tâm thần phát tác hoặc bị bệnh nặng thêm. Thiết nghĩ, đây chính là khoảng trống pháp luật cần được điều chỉnh, xem xét để có quy định phù hợp.
Mõ Tòa