|
Hơn 20 doanh nghiệp chưa thể thực hiện niêm yết do chưa thể đăng ký công ty đại chúng.
Vì cứng nhắc trong cách áp dụng quy định pháp luật liên quan đến thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ mà Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã “ách” hơn 20 doanh nghiệp đăng ký công ty đại chúng, khiến các công ty này không thể niêm yết cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán.
Ủy ban “đẩy” về Sở, Sở “đợi” Ủy ban
Ngày 2/11/2010, Công ty CP FLC gửi Hồ sơ đăng ký công ty đại chúng lên UBCKNN. Theo quy định, UBCKNN sau khi xem xét hồ sơ sẽ thông báo ý kiến chấp thuận cho công ty này trở thành công ty đại chúng. Thế nhưng, đã gần 3 tháng trôi qua, UBCKNN vẫn chưa có ý kiến chấp thuận cho FLC.
Ngày 10/12/2010, UBCKNN có văn bản số 4065 do bà Lê thị Hòa- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành ký, gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) TP. Hà Nội và Công ty CP FLC. Trong văn bản này, UBCKNN cho rằng trước khi nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng cho UBCKNN, Công ty CP FLC có thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ 07 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (93 nhà đầu tư) để tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng.
Theo quy định tại điều 6, Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 4/1/2010 của chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ thì việc chào bán cổ phần riêng lẻ của Công ty CP FLC thuộc thẩm quyền xử lý, quản lý của Sở KH&ĐT TP Hà Nội. Văn bản này cũng đề nghị Sở KH&ĐT TP Hà Nội xem xét, xử lý việc chào bán cổ phần riêng lẻ của Công ty FLC để sau đó UBCKNN có cơ sở xem xét hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của công ty này.
Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý và đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc về quản lý nhà nước đối với hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ, đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 01/2010/NĐ-CP.
Ông Nguyễn Thanh Bình, TGĐ Công ty CP FLC cho biết, thực tế cho đến nay, Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 01/2010/NĐ-CP và Sở KH&ĐT cũng chưa có ý kiến gì về đợt chào bán cổ phần riêng lẻ của Công ty FLC theo công văn 4065 UBCKNN gửi nói trên.
“Điều này đã gây khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chính đáng của cổ đông và doanh nghiệp chúng tôi khi không thể thực hiện thủ tục niêm yết cổ phiếu của công ty lên Sở giao dịch chứng khoán. Chúng tôi đang phải thường xuyên giải trình cho các cổ đông và bị chỉ trích về việc chậm trễ này”, ông Bình bức xúc nói.
Hiện không chỉ mình Công ty CP tập đoàn FLC rơi vào tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” như thế này mà còn có khoảng hơn 20 công ty khác cũng bị UBCKNN “ách” lại không cho đăng ký công ty đại chúng và yêu cầu Sở KH&ĐT các địa phương mà doanh nghiệp đăng ký kinh doanh xem xét và xử lý việc chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ trước khi đăng ký công ty đại chúng.
Trong khi đó, ngày 28/12/2010 Sở KH&ĐT Hà Nội cũng có văn bản số 5373 gửi Bộ KH&ĐT đề nghị xin tạm dừng thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần vì nếu thụ lý hồ sơ đề nghị tăng vốn cho các công ty cổ phần là chưa đảm bảo đúng quy định. Văn bản này cũng cho thấy chính Sở KH&ĐT Hà Nội cũng đang băn khoăn không biết tiếp tục giải quyết thủ tục tăng vốn cho các công ty nói trên hay tạm dừng chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Áp dụng pháp luật cứng nhắc hay “làm khó” doanh nghiệp?
Công ty CP tập đoàn FLC đã có nhiều văn bản gửi UBCKNN và đích danh ông Vũ Bằng- Chủ tịch UBCKNN. Trong các văn bản này công ty khẳng định việc công ty thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ của đợt phát hành là đúng quy định của pháp luật. Công ty đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ theo đúng quy định của NĐ 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ. Do vậy, lý do mà UBCKNN đưa ra để “ách” không công nhận Công ty CP tập đoàn FLC là công ty đại chúng là không hợp lý.
“Trước khi thực hiện đợt chào bán, chúng tôi đã gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ cho Sở KH&ĐT theo đúng quy định tại điều 9 Nghị định 01/2010-NĐ-CP nhưng công ty chúng tôi không nhận được ý kiến trả lời từ phía sở. Vì vậy theo khoản 2 - điều 10, Nghị định 01/2010/NĐ-CP, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ mà không nhận được ý kiến của Sở KH&ĐT thì công ty chúng tôi được tiến hành chào bán cổ phần riêng lẻ theo hồ sơ đã đăng ký.
Trên thực tế, Sở KH&ĐT Hà Nội cũng đã công nhận kết quả của đợt chào bán cổ phần riêng lẻ này bằng việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 7 ngày 7/10/2010 cho công ty chúng tôi. Ngày 23/11/2010 chúng tôi cũng đã có công văn số 71/cv gửi Phòng đăng ký kinh doanh về việc xin xác nhận hồ sơ tăng vốn điều lệ và đã được xác nhận rằng hồ sơ xin tăng vốn của công ty chúng tôi hoàn toàn hợp lệ”, ông Bình khẳng định.
Trao đổi với phóng viên PLVN, thạc sĩ, luật sư Phạm Đức Giang, Trưởng VP luật sư BMC cho biết, sau khi nghiên cứu, rà soát hồ sơ mà Công ty FLC cung cấp, có thể khẳng định việc Công ty CP tập đoàn FLC thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ là đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là công ty đã đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 8 và đã nộp hồ sơ đăng ký đợt chào bán theo đúng quy định tại điều 9 của Nghị định 01.
“Điều 11.7, Nghị định 01/2010/NĐ-CP quy định: tổ chức chào bán trở thành công ty đại chúng do việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông, sau khi thực hiện việc chứng nhận chuyển nhượng tạo ra số cổ đông của công ty từ trên 100 cổ đông, có nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày trở thành công ty đại chúng.
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 7 ngày, UBCKNN có trách nhiệm công bố tên, nội dung kinh doanh và các thông tin khác liên quan đến công ty đại chúng lên phương tiện thông tin của UBCKNN. Căn cứ vào các quy định này thì Công ty CP tập đoàn FLC đã có đủ điều kiện để đăng ký trở thành công ty đại chúng và công ty có quyền đề nghị UBCKNN chấp thuận cho Công ty đăng ký trở thành công ty đại chúng”, luật sư Giang khẳng định.
Còn theo tiến sĩ luật học, luật sư Lê Đình Vinh - Phó TGĐ Công ty luật SMiC thì không những đợt chào bán cổ phần của Công ty FLC không những đã đáp ứng, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật chứng khoán về thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ mà còn đáp ứng các quy định của pháp luật doanh nghiệp về việc đăng ký tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Cả hai luật sư đều cho rằng việc UBCKNN chậm trễ trong công nhận hồ sơ đăng ký của công ty CP tập đoàn FLC là do quy định của pháp luật hiện chưa cụ thể, rõ ràng và việc áp dụng các quy định này của UBCKNN có phần cứng nhắc, không vì quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. “Các cổ đông có thể khiếu kiện UBCKNN về việc chậm trễ này”, LS Phạm Đức Giang cho biết thêm. Ông Nguyễn Thanh Bình cũng cho biết công ty đang bị sức ép lớn từ các cổ đông vì sự chậm trễ và im lặng đến khó hiểu của UBCKNN trước sự việc này. Phải chăng, UBCKNN đang cố tình “làm khó” doanh nghiệp?
Pháp luật VN