Vai trò của cán bộ, công chức trong Cải cách hành chính

(PLVN) - Xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước, nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội. Thời gian qua, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, điều hành công việc, phục vụ Nhân dân của cơ quan hành chính nhà nước, qua đó, hiện thực hóa mục tiêu chính trị của Đảng cầm quyền: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Cải cách hành chính là khâu quan trọng nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử

Có thể nói, cải cách hành chính là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại.

Cải cách hành chính được triển khai thực hiện trên nhiều nội dung, bao gồm: Cải cách thể chế hành chính nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.

Xác định cải cách hành chính là khâu quan trọng nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử và từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các thủ tục hành chính công trên địa bàn, những năm qua, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách hành chính, sử dụng các tiện ích trên cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh, huyện Sông Lô chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch cải cách hành chính hằng năm, giai đoạn; Kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, tồn tại trong công tác cải cách hành chính tại mỗi địa phương. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ người dân.

Tính đến tháng 10/2022, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn huyện có tổng số trên 26.000 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, trong đó có 4.042 hồ sơ mức độ 3 và hơn 12.000 hồ sơ mức độ 4. Tỷ lệ nộp trực tuyến trung bình đạt trên 60% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận của huyện.

Đạt được kết quả như trên phụ thuộc lớn vào vai trò, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức - những người thực thi công vụ trong bộ máy hành chính nhà nước. Cán bộ, công chức là một mắt xích quan trọng, không thể thiếu của nền hành chính nhà nước, là chủ thể quan trọng trong quá trình cải cách hành chính.

Đội ngũ này có nhiệm vụ tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Để khẳng định vai trò của mình, đội ngũ cán bộ, công chức luôn chủ động, tích cực hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Sông Lô việc bố trí công chức làm việc tại bộ phận Một cửa được thực hiện nghiêm túc, trong đó cấp xã phân công 01 lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã phụ trách và 04 công chức thuộc 4 lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch, Chính sách xã hội, Địa chính - Xây dựng, Văn Phòng - Thống Kê và Thương binh xã hội trực hàng ngày tại bộ phận một cửa để giải quyết các thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức đến giao dịch.

Cán bộ bộ phận Một cửa được bố trí theo đúng vị trí việc làm, chất lượng cán bộ, công chức các xã 100% đạt chuẩn, sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ thông tin phục vụ công việc. Hàng năm, huyện thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng về cải cách hành chính cho cán bộ làm công tác giải quyết thủ tục hành chính góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm, văn hóa ứng xử trong giao tiếp, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, vô cảm, tư lợi gây khó khăn cho người dân. Do vậy, để đẩy nhanh tốc độ cải cách hành chính, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước rất quan trọng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thời gian tới, huyện Sông Lô sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tốt việc giải quyết, tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận Một cửa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.

Cùng với đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tại địa phương đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nhất là triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính của các địa phương, trong đó, đặc biệt coi trọng sự tận tụy phục vụ chuyên môn, đạo đức công vụ của công chức Nhà nước với quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Đọc thêm