Đề xuất bổ sung quy định về tiêu hủy tiền giả là tang vật vụ án

(PLO) - Một trong những nội dung được đề xuất bổ sung trong dự thảo Nghị định thay thế Quyết định số 30/2003/QĐ-TTg  là quy định cụ thể về việc tiêu hủy tiền giả, tiền bị hủy hoại trái pháp luật là vật chứng, tang vật trong các vụ án. 
Tiền giả bị các cơ quan chức năng phát hiện trong một vụ án
Tiền giả bị các cơ quan chức năng phát hiện trong một vụ án

Sau 15 năm thi hành, Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn việc làm tiền giả, đấu tranh chống tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả và ngăn chặn phá hoại tiền Việt Nam cũng như quy định việc thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả và giám định tiền Việt Nam, đã tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Thế nhưng, đến nay, văn bản này có nhiều điểm đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Trong báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Quyết định 130/2003/QĐ-TTg về bảo vệ tiền Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên thực tế, trong thời gian qua khi triển khai thực hiện, một số đơn vị gặp vướng mắc trong xử lý nghiệp vụ do không có điều khoản quy định dẫn chiếu việc xử lý tiền giả, tiền bị hủy hoại là tang vật, vật chứng của vụ án. Cụ thể, năm 2012, sau khi Tòa án nhân dân TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tuyên tịch thu tiêu hủy 2.213 tờ tiền cotton có mệnh giá 100.000đ liên quan đến vụ án hủy hoại tiền Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai quản lý. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Chi cục Thi hành án dân sự TP Biên Hòa đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc tiêu hủy toàn bộ số tiền bị hủy hoại nêu trên theo quy định. Tuy nhiên, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến việc thi hành án dân sự, việc tiêu hủy tiền bị hủy hoại thực hiện theo phán quyết của Tòa án nhân dân TP Biên Hòa, thuộc thẩm quyền của Chi cục Thi hành án dân sự TP Biên Hòa và không thuộc thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước.

Đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nội dung này và xuất phát từ thực tế triển khai cho thấy, nội dung xử lý tiền giả, tiền bị phá hoại là tang vật, vật chứng của vụ án đang được điều chỉnh trong một số văn bản pháp lý. Khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27/11/2015 quy định: “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử”.

Khoản 15 Điều 1 Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 quy định: “(1). Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án. (2). Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau: (a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; (b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; (c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước; (d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; (đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; (e) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án…”.

Tại Điều 125 Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 và Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 quy định: “(1). Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu huỷ theo bản án, quyết định, trừ trường hợp pháp luật quy định phải tiêu huỷ ngay. (2). Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản gồm Chấp hành viên là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp là thành viên, đại diện cơ quan chuyên môn tham gia Hội đồng khi cần thiết. (3). Viện Kiểm sát cùng cấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiêu huỷ vật chứng, tài sản”.

Từ thực tế nói trên và để phù hợp với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đề xuất, cần thiết bổ sung quy định chi tiết việc tiêu hủy tiền giả, tiền Việt Nam bị hủy hoại trái pháp luật là vật chứng, tang vật trong các vụ án vào Nghị định của Chính phủ thay thế Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg, để tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị có cơ sở pháp lý xử lý nghiệp vụ phát sinh trong thực tế.

Đọc thêm