Từ 20/4: Phát âm thanh quá ồn để dẫn dụ chim yến sẽ bị phạt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, có hiệu lực từ ngày 20/4/2021.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với vi phạm trong hoạt động nuôi chim yến, Nghị định 14/2021/NĐ-CP  quy định, xử phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến trong trường hợp nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định; phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian theo quy định; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học. 

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm có thể bị xử phạt bổ sung tịch thu tang vật vi phạm và buộc thực hiện biện pháp giảm tiếng ồn theo quy định hoặc buộc thả chim yến về môi trường tự nhiên.

Nghị định 14 cũng quy định xử phạt vi phạm về hành vi đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi; phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm như: Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ, đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ và không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp. 

Đối với hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100kg; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100kg đến dưới 500kg; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500kg đến dưới 1.000kg; phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000kg trở lên.

Hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi phá hoại hoạt động chăn nuôi được quy định tại khoản 3 Điều này; đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc xử lý nhiệt đối với động vật thuộc hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này; trường hợp tái phạm thì buộc tiêu hủy.

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam. Riêng đối tượng tổ chức được quy định trong Nghị định này bao gồm: Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp; tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã; tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư; tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định pháp luật.  

Đọc thêm