Tại Hội thảo “Những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghi định 01/2010/NĐ-CP ngày 4/1/2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ”, các ý kiến cho rằng Nghị định này được ban hành rất bất ngờ. Trước đó, doanh nghiệp (DN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam không hề được biết hay hỏi ý kiến nội dung của Dự thảo Nghị định.
Thế nên, Nghị định ban hành có hiệu lực đã 1 năm nay song không những không đạt được mục tiêu đề ra là tăng cường quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho DN, bảo vệ nhà đầu tư riêng lẻ mà trái lại, gây ách tắc trong việc huy động vốn của các công ty cổ phần, chưa nói, nhiều quy định tại Nghị định trái với Bộ luật Dân sự, Luật DN, Luật Chứng khoán.
Điều đáng nói là tại Hội thảo này, Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng ngay khi thẩm định Dự thảo Nghị định, Bộ Tư pháp đã nhìn thấy rất rõ những vướng mắc mà các ý kiến đã nêu ra tại Hội thảo và đã đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình lý do. Tuy nhiên không phải ý kiến nào cũng được cơ quan soạn thảo tiếp thu và khi trình lên, không phải ý kiến nào của Bộ cũng được chấp thuận. Đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng Văn phòng Chính phủ chỉ là cơ quan thẩm tra chứ không phải cơ quan trình lên. Đại diện cơ quan soạn thảo tham dự Hội thảo thì cho biết khi soạn thảo Nghị định, mình không tham gia!?
Đã có nhiều ý kiến về chất lượng xây dựng các văn bản pháp luật. Cũng đã có quy định về việc các cơ quan soạn thảo khi xây dựng văn bản liên quan đến DN phải hỏi ý kiến DN... Thế nhưng vẫn có những văn bản ra không bao lâu đã bị “vô hiệu”. Tốn kém tiền của, thời gian để xây dựng văn bản thì hẳn các cơ quan liên quan có thể tính được, song thiệt hại cho DN do mất cơ hội kinh doanh, do mất chi phí, thời gian đi lại, xin - cho thì chỉ DN biết. Và lớn hơn nữa là ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, là tăng trưởng...
|
Vấn đề này cũng được nêu lên tại Hội thảo “Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2001-2010 và định hướng tới năm 2020” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ủy Ban kinh tế của Quốc hội, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức mới đây. Các ý kiến của hội thảo đã nhận định: Hoạch định chính sách ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế như thiếu cấu trúc chính sách chặt chẽ, thiếu sự phối hợp giữa các bộ, và thiếu sự tham gia của các bên liên quan.
Theo các chuyên gia, nâng cao năng lực hoạch định chính sách chính là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới. Thành công trong hoạch định chính sách phụ thuộc không chỉ vào việc lựa chọn đúng đắn các biện pháp chính sách, mà quan trọng hơn và cơ bản hơn phụ thuộc vào quy trình hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách để từ đó các chính sách tốt sẽ được xây dựng và đưa vào thực thi...
Dẫu sao, đây vẫn là vấn đề... không mới.
Thanh Thanh