Văn bia Văn từ phủ

Văn từ phủ Điện Bàn nay chỉ còn là đống gạch vụn, tọa lạc tại làng Đông Bàn, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nhưng hồi tưởng về một Văn từ phủ vẫn chưa phai mờ trong tâm khảm của những vị cao niên quanh vùng; bởi nơi đây “thờ kính công cuộc giáo dục”, với bậc tiền nhân là ước nguyện con cháu mai sau có chí khí và ăn học thành tài.

Văn từ phủ Điện Bàn nay chỉ còn là đống gạch vụn, tọa lạc tại làng Đông Bàn, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nhưng hồi tưởng về một Văn từ phủ vẫn chưa phai mờ trong tâm khảm của những vị cao niên quanh vùng; bởi nơi đây “thờ kính công cuộc giáo dục”, với bậc tiền nhân là ước nguyện con cháu mai sau có chí khí và ăn học thành tài.

3 tấm bia trong sân Bảo tàng Điện Bàn tuy chữ đã bị phai mờ nhưng vẫn còn đọc được. (Ảnh: P.V.B)

3 tấm bia trong sân Bảo tàng Điện Bàn tuy chữ đã bị phai mờ nhưng vẫn còn đọc được. (Ảnh: P.V.B)

Ba trong bốn tấm bia bằng chữ Hán được mang về từ Văn từ phủ, đặt trang trọng trong sân Bảo tàng Điện Bàn, tuy chữ đã bị phai mờ nhưng vẫn còn đọc được. Theo bản dịch của nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Văn Lại (hiện ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng - ĐNCT) còn lưu trữ tại Bảo tàng thì những văn bia này được khắc dựng ở những thời điểm khác nhau.

Bia số 1 do ông Phạm Hữu Nghi, quan Hữu Tham tri Bộ Lễ sung Toản tu Quốc sử quán, khắc ngày 25 tháng giêng, năm Tự Đức thứ hai mươi sáu (1873), sau ngày dựng Văn từ phủ 20 ngày, có nội dung:

Mùa Đông năm Tự Đức thứ tư (1851 - NV); cố Thái thú Nguyễn Văn Hiến (sau nhậm chức Phú Yên Tuyên vũ sứ) là gốc Quảng Trị báo: “Đây là một sự thịnh vượng của huyện ta, quý vị quân từ phải đi đầu, chịu hao tốn lương bổng mà làm cho nên việc”. Giới kỳ mục, tổng lý nghe thế hăng hái quyên góp tiền của, công sức một cách vui vẻ; bèn chọn đất Đông Bàn, tập trung vật liệu, thuê mướn nhân công khởi công xây dựng. Bên trong lập dựng Thần tẩm, bên ngoài có bái đường; đông tây có hiên rộng, chu vi làm tường ngói, phía trước có tam quan; bên trái xây miếu thờ thần.

Tháng 3 năm Quý Sửu, năm Tự Đức thứ sáu khởi công, đến mùa thu năm ấy thì xong. Từ khởi công đến lạc thành vừa 7 tháng. Người chọn đất là tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh ở Hòa Vang và cử nhân Nguyễn Thành Châu (sau làm Tri huyện Hòa Đa). Ông Châu còn làm Hội chủ điều hành việc thi công. Tú tài Phạm Phú Hanh,... Phạm Hữu Chánh giải quyết tiền nong. Vật tư thì có cử nhân Nguyễn Hiển Doãn (sau làm Thừa biện Bộ Lễ); các học trò Thân Đức Uy, Hồ Diêu... điểm xuyết kỷ cương cho nên việc là công của Thái thú vậy.

Phía trước đền là sông lớn, phía sau là núi Trà Kiệu, tuy không đồ sộ nhưng cũng có dáng vẻ tú lệ. Ôi! Đã ăn của đất tất phải báo đền, mãi mãi không dám quên nguồn... Việc kiến trúc này là bày trên một mảnh đất tôn kính vậy!

Và ta nay đã 200 năm gội thuần giáo hóa sâu dày, việc thành tựu ngày càng đông đảo, từ nay về sau hương hỏa ngàn thu, ngưỡng vọng núi cao thực làm cho người đời sau được phát đạt vô cùng vậy! Vậy nên ghi họ tên những viên quan, khoa tước trong Hội đã cúng ruộng, tiền như sau:

Đứng đầu danh sách là ba vị Tiến sĩ khoa Nhâm Dần Nguyễn Tường Phổ, Giáo thọ lãnh đốc học; Hội nguyên khoa Quý Mão Phạm Phú Thứ, Thượng thư Bộ Hộ trong Cơ mật viện; Đình nguyên Hoàng giáp khoa Ất Hợi, Đốc học Quảng Trị (khuyết tên). Kế đến là 4 Phó bảng là: Phạm Hữu Nghị, Hữu Tham tri Bộ Lễ; Nguyễn Tường Vĩnh, Tuần vũ Phú Yên; Nguyễn Duy Tự, Thị giảng học sĩ; Hoàng Diệu, Án sát Bắc Ninh; và 2 võ tiến sĩ, 36 cử nhân, trong đó có cử nhân khoa Quý Mão - Nguyễn Thành Ý; cử nhân khoa Đinh Mùi - Ông Ích Khiêm...

Bia số 2 ghi danh sách đóng góp tiền của quan chức, khoa bảng, ấm sinh... Trong đó có tên 2 vị trong “Ngũ phụng tề phi” khoa Mậu Tuất 1898 là Phạm Tuấn và Phạm Liệu. Mức đóng không theo bắt buộc và ghi chép liệt kê đầy đủ khi chi vật liệu xây dựng là 5.025 quan, chi công thợ các loại là 3.215 quan.

Bia số 3 chép: “Ở ngoài 9 châu còn có người ở, huống chi sống trong một nước văn hiến, học đạo của thánh nhân? Đạo trong thiên hạ không xưa nay. Nay hiến của cải, sức lực, người tuy một huyện, một làng mà lòng sùng bái còn xưa mãi vậy. Nay dùng chất để cho ngàn vạn năm sau người trong toàn cầu ai cũng bảo rằng: “lớn lao thay đạo của thánh nhân”.

Sau tiết lập Thu 5 ngày, tháng 7 năm Duy Tân thứ chín (1915).

Kính chữa: Hồng lô tự khanh Phạm Tuấn, đồng Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898).

Kính soạn: Đốc học hưu trí Phạm Như Xương, Nhị giáp Đình nguyên khoa Ất Hợi (1875)”.

Văn bia bị vỡ nhiều đoạn, trên bia có khắc tên 80 vị từ Tiến sĩ đến học sinh, trong đó có tên của Tiến sĩ khoa thi năm Giáp Thìn (1904) Trần Quý Cáp và danh sách hàng trăm thí sinh và hào lý của các xã thôn trong 11 tổng cúng tiền.

Riêng bia số 4 được phục dựng tại lăng mộ của cụ Phạm Phú Thứ. Nội dung văn bia nói về công đức và công trạng của cụ (theo ý gia đình).

Những văn bia này là nguồn sử liệu quý giá giúp cho những nhà nghiên cứu hiểu thêm về vùng đất học Điện Bàn, đồng thời tô điểm thêm cho truyền thống “tôn kính chữ thánh hiền” của cha ông ta trên bước đường xây dựng quê hương.

Phạm Văn Bính

Đọc thêm